Thu hoạch lúa hè thu ở ĐBSCL: Giá lúa tăng chậm, chi phí tăng nhanh

Huỳnh Xây- Trọng Bình Thứ bảy, ngày 26/07/2014 07:49 AM (GMT+7)
Khác với thời điểm cách đây 1 tháng khi người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tìm “mỏi mắt” cũng không thấy bóng dáng thương lái thì thời điểm này đã xuất hiện khá nhiều thương lái về thu mua lúa gạo. Đáng chú ý, giá lúa đã tăng nhưng các chi phí khác cũng tăng.
Bình luận 0

Vừa mừng vừa tiếc nuối

Hiện nay, người dân các huyện như Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành và Càng Long thuộc tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Do giá lúa tăng nên các thương lái len lỏi xuống các hộ dân vùng sâu thu mua lúa, có nhiều thương lái đã giữ mối quan hệ mua bán và lấy lòng người dân bằng cách đặt trước tiền cọc.

Theo đó, các thương lái mua lúa tươi hạt tròn thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp từ 4.600-4.750 đồng/kg, hạt dài từ 4.800-5.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ dân ở đây, tuy giá có lên, nhưng chưa cao trong khi chi phí vụ hè thu tăng cao (do dịch bệnh nhiều, tốn nhiều phân, thuốc, nước tưới...).

Lão nông Nguyễn Văn Châu, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, chia sẻ: “Tôi vừa thu hoạch xong 5 công lúa IR50404, với giá 4.600 đồng/kg, tròm trèm lời gần 5 triệu đồng. Vì muốn trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu sớm mua lại để sản xuất vụ sau nên tôi phải bán gấp”.

“Giá lúa đầu vụ cách đây khoảng 2 tuần khá cao, thương lái mua khá nhanh. So với vụ hè thu mọi năm thì năm nay giá cao hơn. Tuần rồi tôi bán được 5.700 đồng/kg (lúa khô, giống 4218), bán hết rồi. Hiện nay lúa đã nhích lên thêm 150 - 200 đồng/kg” – nông dân Lê Văn Thương, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp nuối tiếc.

Ở tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân cũng đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Năm nay, phần lớn nông dân tỉnh chọn các giống lúa như: IR50404, OM 5451, OM 4218… theo đó năng suất đạt bình quân khoảng 5,6 tấn/ha. Tuy năng suất đạt cao, giá bán lên nhưng người dân tỉnh Hậu Giang cũng tiếc nuối bởi khoảng 12.000ha lúa đã bị thiệt hại từ các cơn mưa kèm theo dông, lốc trong những ngày qua, làm giảm 5-7% năng suất.

“Mưa liên tục trong vài ngày qua làm khâu thu hoạch của bà con nơi đây tốn thêm chi phí cắt, vận chuyển, nhân công. Bản thân gia đình tôi có 1ha lúa IR 50404, chỉ bán được với giá 4.500 đồng/kg, thấp hơn lúa thu hoạch vào những ngày nắng 100 đồng/kg, thu lời gần 10 triệu đồng” – ông Trần Văn Trọn, nông dân xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp nói.

Ông Lê Văn Đời - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Đến nay, người dân trong toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 50.000/77.000ha diện tích xuống giống lúa hè thu, với năng suất đạt khoảng 5,6 tấn/ha và giá bán hiện nay, người dân đã thu lời”.

Thiếu thông tin thị trường

Theo một số doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu, ngoài việc trúng thầu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo qua Philippines, Malaysia thì nguyên nhân giá lúa lên trong vài ngày qua là do thương lái một số tỉnh phía Bắc dùng tàu có trọng tải lớn đến thu mua lúa ở vùng ĐBSCL, để xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Những thương lái này sẵn sàng thu mua lúa cao hơn giá thị trường và yêu cầu chất lượng không cao.

Chủ một doanh nghiệp xay xát lúa gạo ở quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), thông tin: “Do yêu cầu từ các thương lái phía Bắc, nên nhiều doanh nghiệp xay xát lúa nơi đây phải hoạt động hết công sức cả ngày lẫn đêm, chất lượng gạo như thế nào họ cũng lấy”. Cũng theo một số doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu, việc làm trên sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo chính ngạch có thể sẽ thiếu nguồn hàng và giá có thể xuống khi các thương lái này đột ngột ngưng mua.

Mặt khác, theo nhiều nông dân địa phương vùng ĐBSCL, tình trạng thương lái mua thấp hơn giá các doanh nghiệp xuất khẩu (ít có doanh nghiệp trực tiếp đi mua mà phần lớn mua lại từ thương lái) vẫn diễn ra hầu hết ở các địa phương trong nhiều năm qua, khiến cho người trồng lúa bị thu hẹp lợi nhuận.

Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Có thể do Việt Nam ký kết được hợp đồng xuất khẩu gạo nên vài ngày qua nhiều thương lái mới đi thu mua lúa trên địa bàn huyện. Chúng tôi vừa thấy mừng vì người dân bán được lúa, vừa lo vì những diễn biến của thị trường sắp tới.

Hy vọng, các cơ quan chức năng có thể dự báo được tình hình xuất khẩu ngay từ đầu vụ để người dân có kế hoạch sản xuất và yên tâm hơn. Tránh tình trạng nông dân tự sản xuất, tới thu hoạch thì giá thấp vì không tìm được thị trường”.

Còn theo ông Đời, do sản lượng vụ này không lớn nên có khả năng lúa sẽ không bị tồn đọng, lượng cung sẽ khan hiếm. Điều người nông dân cần nhất lúc này là, thời gian tới cơ quan chuyên môn cần dự báo được tình hình vào thị trường xuất khẩu cho các địa phương trước để có kế hoạch cung ứng.

   Liên quan đến thị trường tiêu thụ lúa gạo, TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Đúng ra các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu phải có kế hoạch cân đối xuất khẩu 1 năm là bao nhiêu, sau đó đầu tư vào vùng nguyên liệu hoặc đặt hàng nông dân sản xuất. Thế nhưng hiện nay, ngành lúa gạo Việt Nam đi ngược lại, nông dân cứ trồng, khi có hợp đồng, nhu cầu thị trường thì doanh nghiệp, thương lái chạy đi thu mua. Cách làm này khiến cho giá lúa gạo lên xuống thất thường trong thời gian qua”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem