Thu hút FDI: Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM gửi kiến nghị "nóng" đến Thủ tướng
Thu hút FDI: Hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM gửi kiến nghị "nóng" đến Thủ tướng
O.L
Thứ bảy, ngày 22/04/2023 16:57 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nêu ra những tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thu hút hơn nữa vốn đầu tư từ nước ngoài.
Quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng kinh doanh bất động sản có những thay đổi, còn chống chéo, chưa thống nhất
Phó Chủ tịch UBND. TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, hiện Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD (trong đó vốn đăng ký 39,9 tỷ USD; hơn 5.000 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị 21,8 tỷ USD). Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%) – đây là tỉ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt gần 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ).
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nêu một số tồn tại, vướng mắc cần được quan tâm tháo gỡ để thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án có sử dụng đất, trong đó có các dự án FDI.
Thứ nhất, về quy hoạch, thành phố có sự thay đổi về địa giới hành chính vào năm 2008 và hiện nay cũng đang triển khai quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô dẫn tới một số dự án đã được cấp phép thì cũng chậm triển khai thực hiện do phải điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn.
Từ đó, công tác xây dựng các danh mục, các dự án để công bố, kêu gọi thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách, những quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng kinh doanh bất động sản có những thay đổi, còn chống chéo, chưa thống nhất. Cơ quan chuyên môn của thành phố trong quá trình tham mưu, giải quyết còn gặp khó khăn nhất là đối với những dự án quy mô lớn, thực hiện trong thời gian dài và trải qua các giai đoạn chuyển tiếp của quy định pháp luật.
Thứ ba, về tiếp cận đất đai, theo quy định pháp luật về đất đai, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận đất đai thông qua 3 hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thông qua thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án. Trên thực tế, việc xây dựng danh mục dự án để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư còn chậm, khó khăn. Quỹ đất phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố còn triển khai chậm trong thời gian vừa qua.
Thứ tư, về tiến độ thực hiện dự án, trên địa bàn thành phố còn tồn tại các dự án chậm tiến độ nhưng không đủ cơ sở điều chỉnh do không thuộc trường hợp gia hạn quá 24 tháng quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật Đầu tư. Mặt khác, việc thu hồi dự án gặp khó khăn do thiếu quy định chi tiết về xử lý các nghĩa vụ, quyền lợi của nhà đầu tư nhằm tránh phát sinh khiếu kiện và tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Trên cơ sở nhận diện những khó khăn, vướng mắc trên, TP.Hà Nội đã và đang thực hiện một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như rà soát quy hoạch chung xây dựng của thành phố để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các bộ ban ngành để hoàn thiện Luật Thủ đô tạo khung khổ pháp lý tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế để giúp Thủ đô tăng tốc trong vấn đề phát triển cũng như phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.
Thứ ba, tập trung xây dựng danh mục công khai thu hút đầu tư. Đây là các nội dung mà các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm.
Thứ tư, tạo mặt bằng sạch để thúc đẩy hình thành các khu công nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đang triển khai các thủ tục để thành lập 4-5 khu công nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là điều kiện để tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghệ cao, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Thứ năm, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính trong giải quyết lĩnh vực đầu tư nhất là các dự án đầu tư nước ngoài.
Các ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Từ kinh nghiệm của TP.HCM trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã nêu 3 nhóm hạn chế : Hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ) còn chưa đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển của vùng; Các ưu đãi về thuế nhằm thu hút đầu tư nước ngoài theo quy định hiện hành sẽ không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu thực thi vào năm 2024; TP.HCM đang thiếu quỹ đất công nghiệp để có thể thu hút các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp lớn vào đầu tư.
Hiện tại TP.HCM đang đẩy mạnh các dự án về hạ tầng giao thông, dịch vụ logistíc chuyển đổi năng lượng và tạo thêm quỹ đất công nghiệp bằng việc hình thành các khu công nghiệp mới và điều chỉnh giá các khu công nghiệp hiện hữu. TP.HCM cũng tập trung triển khai đào tạo nhân lực cũng như xây dựng chính quyền số để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
TP.HCM cũng có 5 kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ: Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm cập nhật chiến lược chính sách quốc gia về thu hút FDI và sớm có kế hoạch, chính sách phù hợp khi Thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng. Đây là việc vô cùng quan trọng đối với thu hút đầu tư FDI.
Kiến nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, giấy phép lao động, thuế, phòng cháy chữa cháy mà các nhà đầu tư đã phát biểu từ sáng.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành hỗ trợ TP.HCM triển khai các cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược sau khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. TP.HCM cũng đã đề xuất chính sách cho các lĩnh vực phát triển công nghệ bán dẫn, công nghệ chíp, vật liệu mới, công nghệ pin mới… đây là những chính sách mà các nhà đầu tư nước ngoài đã phát biểu.
Thứ ba, rất mong Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành hỗ trợ TP.HCM hoàn thiện các điều kiện để tiếp nhận cũng như giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ vi mạch, bán dẫn, sinh học, các trung tâm phát triển nghiên cứu… cho TP.HCM.
Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng sớm xét, quyết định bổ sung vào danh mục quy hoạch khu công nghiệp thành phố 2 khu công nghiệp: Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I có diện tích 379 ha và khu công nghiệp Phạm Văn Hai II có diện tích 289 ha tại xã Phạm Văn Hai huyện Bình Chánh với định hướng theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, tập trung thu hút đầu tư ngành điện, điện tử, cơ khí tự động hóa, hỗ trợ khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, TP.HCM đã hoàn thiện và trình hồ sơ quy hoạch chung TP.Thủ Đức trong tháng 4, nếu được phê duyệt, trong quý 3/2023, TP.HCM sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.Thủ Đức phù hợp với quy hoạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.