Malema tự đầu thú với cảnh sát trước khi ra tòa vào thứ tư tuần qua. Anh nói đã được cho biết sẽ đối mặt với các tội “rửa tiền”, gian lận và tham nhũng, nhưng tại tòa, anh ta chỉ bị buộc tội “rửa tiền”, từ việc Công ty On Point Engineering trúng quả thầu cấp chính phủ trị giá 52 triệu rand (6,5 triệu USD): xây dựng đường sá ở tỉnh Limpopo nơi Malema chào đời.
Công ty này bị phát hiện khai gian để trúng quả thầu, và 4 đối tác của Malema bị buộc tội gian lận, tham nhũng và “rửa tiền”. Mỗi người đều phải nộp số tiền bảo lãnh tại ngoại 40.000 rand (5.000USD).
|
Malema tại tòa |
Công tố viên nói Malema được On Point Engineering “cảm ơn” bằng một khoản tiền trúng quả thầu, mà anh dùng để mua một trang trại giá gần 4 triệu rand (500.000USD) và một chiếc xe con hạng sang. Malema được cho nộp 10.000 rand (1.250USD) bảo lãnh tại ngoại chờ hầu tòa vào ngày 30.11 tới.
Anh ta có thể bị phạt tối đa 100 triệu rand (1,25 triệu USD) và bị án 30 năm tù. Malema còn là đối tượng của hai cuộc điều tra của đơn vị cảnh sát điều tra Hawks (Diều hâu) và Cục thuế Nam Phi (SARS) về những khoản thuế 16 triệu rand (2 triệu USD) chưa nộp.
Người có ảnh hưởng với dân chúng
Tại tòa án ở Polokwane (thủ phủ tỉnh Limpopo), 1.000 người ủng hộ Malema vây kín, và trước đó họ tổ chức “đêm canh thức” gọi tên Malema và hát những bài hát chống Tổng thống Jacob Zuma. Khi rời tòa, Malema khẳng định với người ủng hộ, rằng chuyện anh ta bị “chụp một tội nhỏ lên đầu” nhằm bịt miệng anh ta, do Malema liên tục chỉ trích chính phủ và nhất là chỉ trích Tổng thống Zuma: “Tôi chẳng có gì phải giấu, tôi chưa bao giờ phạm pháp.
Họ đang chống lại tôi nhưng họ chỉ mất thời giờ”. Anh gọi ông Zuma là “người mù chữ” và kêu gọi lật đổ Zuma và truy tố Zuma về tội tham nhũng. Malema nói: “Quý vị nên bảo đảm Zuma không thể tái đắc cử chức Chủ tịch ANC vào cuối năm nay, chúng ta phải lật đổ rồi truy tố ông ta”. Malema nói “Zuma có tới 700 tội, tôi chỉ có 1 tội nhỏ”.
Gần đây, Malema cũng nói anh tin rằng có âm mưu trừ khử anh, của một số thành viên cấp cao trong chính phủ, nhưng chính quyền Pretoria và Hawks không bình luận trước lời vu cáo này. ANC ra tuyên bố rằng lãnh đạo đảng và ông Zuma không giữ vai trò nào trong việc truy tố Malema. Trước đó, nữ luật sư Galaktiou gởi thư cảnh báo đến Viện Công tố quốc gia (NPA) và Hawks để “nhắc” đừng để bị giới chính trị tác động, vì Malema đoan chắc có một âm mưu chính trị nhằm bắt và buộc những tội anh ta không hề phạm.
|
Malema kêu gọi thợ mỏ đình công |
Một ngày sau khi hưởng tự do tạm, Malema đến một khu mỏ ở Rustenburg (vùng giàu platinum) để ủng hộ cuộc đình công đòi tăng lương đang diễn ra. Hai ngày sau vụ cảnh sát Nam Phi nổ súng bắn chết 36 thợ mỏ ở Marikana vào ngày 16.8, Malema đã đến Rustenburg và kêu gọi các thợ mỏ nên thường xuyên tổ chức đình công, và anh kêu gọi quốc hữu hóa ngành mỏ và đề nghị thợ mỏ không từ bỏ cuộc đấu tranh vì mục đích kinh tế tự do.
Có vẻ theo lời kêu gọi của Malema, cuộc đình công đã lan sang các mỏ bạch kim khác và một mỏ kim cương trong gần 6 tuần đầy bạo lực khiến 46 người bị thương. Malema bị tố cáo kích động bạo lực, còn chính phủ bị chỉ trích không dám cứng rắn trấn áp các cuộc gây rối. Chính phủ đã cử quân đội bảo vệ các mỏ và ra lệnh đàn áp để chấm dứt các cuộc tập kết hàng trăm thợ mỏ và các cuộc biểu tình phản đối trên đường phố.
Tại Nam Phi, Malema nổi tiếng là người thích gây tranh cãi, và là một trong những gương mặt gây phân hóa: hàng triệu người ủng hộ anh ta nhưng cũng chừng ấy người không ưa Malema. Hồi tháng 4.2012, ANC khai trừ Malema do anh ta liên tục chỉ trích ông Zuma và khiến đảng bị mất đoàn kết. Malema và Zuma từng rất ăn ý, và tinh thần sôi nổi, sự đóng góp của Malema giúp Zuma leo lên ghế quyền lực năm 2009. Zuma từng gọi Malema là “có khả năng làm lãnh đạo”.
Nhưng sau đó Malema chỉ trích chính phủ cứng rắn với dân, không giúp người nghèo xóa đói giảm nghèo. Malema bị cách chức thủ lĩnh Youth League nhưng Malema không chấp nhận, lập tổ chức “Bạn của Youth League” và có đông người theo.
Anh ta nổi tiếng với các kêu gọi kê biên các nông trại của người da trắng ở Nam Phi vốn đã có một quá khứ phân biệt màu da. Anh ta tự nhận là “chiến sĩ đấu tranh vì kinh tế tự do” nhưng đòi quốc hữu hóa các mỏ vàng, kim cương, các ngân hàng cũng như thu hồi đất nông nghiệp mà không đền bù cho những “điền chủ” da trắng, khiến những nhà đầu tư ngán ngại.
Xài Sang không phải là cái tội
Ngành thuế Nam Phi đã chú ý Malema do anh ta thích chơi xe hạng sang, đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền và nổi tiếng “nhậu ve kêu”. Malema có hai ngôi nhà hạng sang, thường diện những bộ quần áo cao cấp đắt tiền và sở hữu nhiều xe con xịn, lui tới các quán bar thời thượng chuyên bán rượu giá cao. Đảng Cộng sản Nam Phi là đồng minh của ANC, cùng công đoàn từng đề nghị ANC ra lệnh cho cảnh sát và nghành thuế điều tra khả năng Malema nhận hối lộ để giúp các doanh nghiệp “trúng” các quả hợp đồng với chính phủ.
Đảng Liên minh dân chủ (DA) đối lập đề nghị ngành thuế điều tra “lối sống giàu sang và thói quen chi tiền” của Malema, không phù hợp với mức lương tháng chỉ 20.000 rand (2.730USD) của anh ta. Yêu cầu này từ việc Malema phá bỏ ngôi nhà cũ trị giá 3,6 triệu rand (anh mua năm 2009) để xây tòa biệt thự nhiều tầng trị giá 16 triệu rand ở vùng ngoại ô giàu có Sandton tại Johannesburg. Nhà mới có nhiều sân tennis, hồ bơi, vườn hoa và có cả hầm ngầm (để trú ẩn nếu bị tấn công), tường cao còn cài thêm kẽm gai và có cổng bảo vệ.
Báo chí thông tin tòa nhà mới được phòng quy hoạch đô thị duyệt bản vẽ thiết kế. DA nói Malema chi 78.000 rand để có bản vẽ này và đặt dấu hỏi ngân hàng nào dám cho Malema vay tiền khi thu nhập của anh ít, hay là “ai đó cho anh ta tiền”.
Một nhà kinh tế học tính rằng người có thu nhập 500.000 rand/tháng mới có thể vay 1,6 triệu rand, trả lãi vay là 160.000 rand/tháng trong 20 năm. Malema còn làm chủ một chiếc Mercedes Benz C63. ANCYL không phản đối cuộc điều tra của ngành thuế trong khi ANC nói sẽ yêu cầu Malema giải trình.
Malema tự nhận là “tiếng nói của nhân dân”, nói với các nhà báo rằng “chẳng có luật nào cấm chính khách làm doanh nhân. Anh ta nói không hề xài tiền của Quỹ gia đình Ratanang mà anh ta là người thành lập. Malema bị tố cáo “rút ruột” quỹ này để sống xa hoa, nhưng Malema nói quỹ chỉ để giúp người nghèo và sinh viên.
Anh ta cũng tự nhận là một người nghèo: “Vì tôi định nghĩa giàu là người sở hữu các phương tiện sản xuất, tôi chẳng có. Ngôi nhà và chiếc xe mà quý vị làm ầm ấy là của Ngân hàng ABSA”. Malema nói chuyện làm ăn, riêng tư, mức lương của anh không phải là “chuyện để thiên hạ quan tâm” vì anh không là công chức. Anh nói: “Một ngôi nhà xây tốn 16 triệu rand chỉ có trong trí tưởng tượng của cánh hữu da trắng hẹp hòi. Họ luôn nghĩ người châu Phi không thể và không nên xây nhà riêng”. Malema nói người ủng hộ không quan tâm nếu lãnh đạo của họ giàu có.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.