Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây, hiện chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Theo một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, có thể sẽ thiếu hụt một số loại gỗ nhập khẩu trong quý I/2022.
Theo Báo cáo "Tạo quỹ đất cho phát triển nguồn gỗ nguyên liệu trong nước bền vững phục vụ chế biến xuất khẩu" vừa được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends và một số hiệp hội gỗ trên cả nước công bố, sự phát triển của ngành gỗ thời gian vừa qua có vai trò quan trọng của nguồn gỗ nguyên liệu, bao gồm gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng trong nước.
Chính phủ đang thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên. Nguồn cung gỗ chính thức từ nguồn này từ lâu không còn tồn tại. Lệnh đóng cửa rừng sẽ được tiếp tục duy trì ít nhất đến năm 2030.
Đại diện các hiệp hội gỗ và lâm sản cho rằng, để có sự tham gia của khối tư nhân vào phát triển gỗ nguyên liệu rừng trồng, cần có các cơ chế và chính sách đột phá nhằm giảm phóng nguồn quỹ đất hiện đang được hộ, các công ty lâm nghiệp nắm giữ.
Con số thống kê của ngành lâm nghiệp cho thấy, lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn, khoảng trên 20 triệu m3/năm, tuy nhiên phần lớn là gỗ nhỏ được sử dụng làm nguyên liệu dăm.
Nguồn gỗ từ các vườn cao su thanh lý và cây phân tán khoảng 8 - 9 triệu m3/năm và ngày càng trở nên quan trọng cho chế biến.
Về nhập khẩu, bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 5 - 6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ. Nguồn gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng trong nước được đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.
Điều đáng chú ý là, đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và lây lan rộng ở các nước từ quý II/2020 cho đến nay đã làm đứt gãy chuỗi cung, làm chi phí vận chuyển quốc tế tăng phi mã.
Ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, đại dịch cũng gây ra khó khăn trong khâu khai thác, vận chuyển tại các quốc gia có nguồn gỗ nguyên liệu xuất khẩu, từ đó làm hạn chế nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu cho Việt Nam.
Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng liên tục trong thời gian gần đây, hiện chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Giá gỗ nhập khẩu tăng (cùng với các loại chi phí đầu vào sản xuất khác) làm tăng giá thành sản xuất. Cùng với đó, khan hiếm về container làm chậm thời gian giao hàng. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ hiện đối mặt với khó khăn như thiếu hụt nguồn gỗ nhập khẩu, giảm lợi nhuận, chậm thời gian giao hàng.
Theo một số doanh nghiệp, có thể sẽ thiếu hụt một số loài gỗ nhập khẩu trong quý I/2022.
Chủ động gỗ nguyên liệu nhờ trồng rừng gỗ lớn
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, hiện có 31 tỉnh trong cả nước đã có diện tích rừng có chứng chỉ, trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng Đông Bắc. Trong số tất cả các tỉnh có các diện tích rừng có chứng chỉ có 9 tỉnh có diện tích rừng có chứng chỉ từ 10.000 ha trở lên.
Nhu cầu gỗ nguyên liệu rừng trồng có chứng chỉ lớn. Gỗ từ nguồn này được sử dụng để sản xuất các mặt hàng đồ gỗ, sản xuất gỗ dán, MDF, viên nén và dăm gỗ phục vụ xuất khẩu. Nhìn chung, gỗ nguyên liệu có chứng chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người trồng rừng.
Theo ông Trần Lê Huy - Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, chủ động về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho chế biến đóng vai trò sống còn để duy trì, phát triển ngành. Bên cạnh những khó khăn trong nhập khẩu gỗ, tạo nguồn gỗ lớn từ rừng trồng góp phần giúp ngành gỗ chủ động nguồn nguyên liệu.
Để tạo được nguồn gỗ này, một trong số các giải pháp là kêu gọi sự tham gia của các công ty tư nhân đầu tư vào phát triển rừng trồng gỗ lớn.
Hiện, nhiều công ty trong ngành đang mong muốn chủ động sản xuất gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước có chất lượng (gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC) để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.