Phụ nữ mang thai được khuyến cáo đề phòng trước nguy cơ mắc virus Zika. Các nhà khoa học cho rằng đây là thủ phạm trực tiếp khiến nhiều trẻ em bị teo não. Trẻ em sinh ra có thể tích não nhỏ hơn bình thường, ảnh hưởng tới thần kinh và tư duy khi trưởng thành.
Mới đây, các nhà khoa học từ Argentina nghi ngờ giả thuyết virus Zika là thủ phạm của chứng teo não. Họ cho rằng, loại thuốc diệt ấu trùng muỗi sử dụng trong nguồn nước tại Brazil mới là nguyên nhân trực tiếp.
Theo tổ chức PCST, một chất hóa học diệt sâu bọ đã được pha vào nguồn nước ở Brazil từ năm 2014 nhằm ngăn ngừa ấu trùng muỗi phát triển.
Chất hóa học mang tên Pyriproxyfen được chính phủ Brazil sử dụng trong một chương trình quy mô lớn nhằm hạt chế số lượng muỗi sinh sôi ở quốc gia Nam Mỹ này. Pyriproxyfen là một chất diệt ấu trùng.
“Dị tật ở hàng ngàn trẻ em sau khi sinh đến từ những khu vực được chính phủ Brazil sử dụng hóa chất Pyriproxyfen. Đây không phải là một sự trùng hợp”, tổ chức PCST viết trong một báo cáo đăng tải gần đây.
Bộ Y tế Brazil từng tiêm Pyriproxyfen vào các bể chứa nước ở bang Pernambuco. Tại khu vực này, muỗi Aedes sinh sôi rất mạnh. Đây là loại muỗi trung gian mang virus Zika.
Pernambuco cũng là bang đầu tiên ở Brazil phát hiện chứng teo não ở trẻ nhỏ. Bang này chiếm hơn 35% tổng số ca mắc chứng teo não ở Brazil.
Các nhà khoa học Argentina chỉ ra rằng, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, không hề có ca bệnh nào cho thấy sự liên quan trực tiếp giữa virus Zika và chứng teo não. Những quốc gia Nam Mỹ khác như Colombia, dù xuất hiện nhiều ca bệnh Zika nhưng không có em nhỏ nào bị chứng teo não.
Báo Washington Post cho biết sau khi 732 ca trong tổng số 4.100 ca mắc chứng teo não được nghiên cứu, một nửa trong số đó không hề liên quan tới virus Zika. Chỉ 270 trường hợp virus Zika là thủ phạm trực tiếp.
“Mặc dù virus Zika được cho là có mối liên hệ tới chứng teo não nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng những bằng chứng xác thực vẫn chưa được kiểm chứng”, Giám đốc WHO Margaret Chan tuyên bố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.