Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết sẽ thu phí tác quyền với hơn 10.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu tại các điểm kinh doanh dịch vụ karaoke.
Mức thu phí được đưa ra là 2.000 đồng một bài, tính trên mỗi đầu máy karaoke, được áp dụng từ ngày 14/7/2016. Các điểm kinh doanh karaoke sẽ có thời hạn một năm sử dụng các sản phẩm âm nhạc sau khi đóng phí, RIAV sẽ không truy thu thời gian sử dụng trước đây.
Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm thu khoản phí này.
Chủ cơ sở karaoke sẽ bị thu 2.000 đồng/bài hát
Ngay lập tức, các chủ quán karaoke phản ứng, cho rằng, nếu thu phí như thế là họ sạt nghiệp, chắc phải đóng cửa, là phí chồng phí này kia.
Chung lại, việc thu phí đụng chạm sát sườn quyền lợi của các chủ cơ sở karaoke và họ đang viện dẫn ra nhiều lý do để...miễn trừ khoản này, cả việc kêu ca thu 2.000 đồng/bài là quá cao...
Và cũng ngay lập tức, RIAV phản hồi: Phí thu 2.000 đồng một bài hát đã được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở kết quả cuộc khảo sát được tiến hành trong gần một 1 năm qua và trên khung quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ không thu phí đồng loạt theo số lượng bài hát có trong đầu thu, mà sẽ kiểm tra xem đầu thu đó có bao nhiêu bài hát của các thành viên Hiệp hội và chỉ thu trên số đầu bài hát này.
Số tiền thu về từ hoạt động này sẽ được chi 10% cho các chi phí hoạt động của văn phòng Hiệp hội; 5-10% chi cho các Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch các tỉnh, thành phố. Và 80% còn lại được trả trực tiếp cho các chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình.
Như vậy là rất rõ ràng về một quy định mới.
Không ai đi hát karaoke mà vào ngồi, rồi...tự hát mà không cần chọn bài, không cần theo bài, không cần nương theo bài đã...thu.
Thế thì người hát và người chủ cơ sở hát càng phải biết tôn trọng, nâng niu, hàm ơn những tác giả sáng tác, sau đó là sự chia sẻ với các nhạc sĩ bằng tiền tác quyền, để các Trung tâm sản xuất băng hình trả phí cho tác giả.
Lẽ đời là vậy.
Nhiều ý kiến cho rằng nên thu theo tần suất bài hát được chọn
Thói quen dùng của chùa là nguyên nhân chính gây nên sự phản ứng có vẻ thái quá và thái độ “đau khổ” không cần thiết của các chủ cơ sở karaoke.
Tôi ủng hộ việc thu phí các bài hát đã được quản lý rõ ràng từ Hiệp hội.
Nhưng có lẽ đáng ra nên thế này: Nên thu theo tần suất sử dụng ca khúc, làm như thế vừa tri ân, khen ngợi, ghi công nhạc sĩ tài năng đã sáng tác ra tác phẩm được số đông ưu thích hát, vừa công bằng hơn với những ca khúc đôi khi chỉ nằm trong danh sách cho có chứ thực tế là ế...người sử dụng.
Nhưng để cân đong đo đếm tần suất sử dụng lại vô cùng khó khăn. Nếu có một phương pháp kỹ thuật phần mềm nào đó đo được tần suất thì việc bài có nhiều người dùng sẽ được thu tiền cao hơn bài ít người dùng, sẽ là một cách thu khoa học và đáng làm.
Trong khi chưa thực hiện được kỹ thuật đo đếm tần suất sử dụng, bắt buộc phải thu bình quân, vấn đề còn lại là tiền thu được, dứt khoát nhạc sĩ sáng tác phải được hưởng ở tỉ lệ cao nhất, vì họ có quyền được như vậy.
Với các chủ cơ sở karaoke, cần tập làm quen với việc thu phí này vì đó chính là những hành xử văn minh, không việc gì phải cau có, phàn nàn, phản ứng.
Nhưng các cơ sở karaoke có quyền được yêu cầu phía Hiệp hội nâng cao chất lượng âm thanh, hình ảnh, mang đến cho người hát không chỉ là âm thanh chuẩn, phối âm phối khí chuyên nghiệp mà hình ảnh minh họa bài hát cũng phải được nhà sản xuất đầu tư kỹ lưỡng, văn minh, sạch và gây ấn tượng cho người sử dụng.
Rất và rất nhiều băng hình Karaoke đang được sản xuất kém chất lượng cả về âm thanh và hình ảnh. Khi anh mang tới một sản phẩm kém, anh không có quyền thu tiền.
Phải ràng buộc nhau như thế thì việc thu phí mới thực sự nâng cao chất lượng, mới thực sự vì lợi ích cộng đồng và uy tín của tác giả.
Phải thu phí. Còn mức tiền thu như thế nào là hợp lý thì đó là bài tính tiếp tục của Hiệp hội cho tới khi có sự đồng thuận cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.