Thủ phủ vàng mã lớn nhất Thủ đô tất bật ngày đêm

Song Phúc Thứ năm, ngày 08/02/2024 06:31 AM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, thủ phủ vàng mã Phúc Am (huyện Thường Tín, Hà Nội) lại tất bật cho "ra lò" những sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh trong Tết Nguyên đán và Xuân Giáp Thìn 2024.
Bình luận 0

Tỉ mỉ đến từng công đoạn

Thôn Phúc Am là một trong những làng nghề sản xuất đồ vàng mã truyền thống thuộc xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Chỉ cần đặt chân đến cổng làng đã có thể cảm nhận được một không khí Tết đang về rất gần, cả ngôi làng giống như một công xưởng thực thụ đang hối hả chuẩn bị cho vụ mùa lớn nhất năm.

Thủ phủ vàng mã lớn nhất Thủ đô tất bật ngày đêm - Ảnh 1.

Người dân Phúc Am đang tất bật chuẩn bị vàng mã cho ngày cúng cuối năm.

Từ đầu làng đi vào sẽ thấy xung quanh là các xưởng sản xuất, hai bên lề đường là các loại hình nhân, mô hình ngựa sẵn bằng tre đã đan lát khô ráo, các nhân công chăm chút dán và ghép sản phẩm của mình. Hầu hết các hộ gia đình tại đây đều sống bằng nghề làm vàng mã.

Theo người dân ở đây, trước kia làng nghề Phúc Am chủ yếu sản xuất đồ phục vụ cúng tế như voi, ngựa, rắn, người sơn trang, hình nhân hay các vị tướng. Vài năm nay, để bắt kịp thị hiếu tiêu dùng, những người làm nghề còn thiết kế cả nhà lầu, xe máy, xe hơi và những vật dụng khác theo yêu cầu của khách đúng theo quan niệm "trần sao âm vậy". Các mặt hàng tại làng Phúc Am ngày càng đa dạng và phong phú.

Chị Đỗ Thị Hường chia sẻ: "Làm nghề vàng mã không hẳn vất vả và khó khăn mà chủ yếu đòi hỏi một chút khéo léo, tỉ mỉ. Chúng tôi chủ yếu làm hình nhân phục vụ giải hạn, thường thì 3 tháng cuối năm và 3 tháng đầu năm là bận rộn nhất vì lượng khách đặt hàng rất nhiều".

Theo chị Hường, với việc trước đây mọi người đều phải tự tay vẽ và cắt ra các hình từ những tờ giấy xanh, đỏ, tím thì bây giờ chỉ cần lấy mẫu từ những nghệ nhân khéo tay, sau đó mang bản mẫu đi in là có thể tạo ra rất nhiều bản vẽ khác nhau mà không mất nhiều thời gian như trước".

Thủ phủ vàng mã lớn nhất Thủ đô tất bật ngày đêm - Ảnh 2.

Những đơn hàng đã hoàn thiện chờ khách đến lấy mang đi.

Kỹ thuật để làm vàng mã hiện nay cũng ngày càng trở nên dễ dàng hơn khi có máy móc hỗ trợ. Tuy nhiên, để tạo ra các sản phẩm hàng mã độc đáo đòi hỏi sự khéo léo, am hiểu của người nghệ nhân. Cũng bởi vậy có những sản phẩm không thể in ra được, bắt buộc phải làm bằng tay.

Tất bật với món đồ phục vụ "người âm"

Không khó để tìm kiếm những gia đình làm nghề vàng mã Phúc Am. Bởi hầu hết các hộ gia đình tại thôn đều sống bằng nghề làm vàng mã, số lượng người làm ngày càng gia tăng, nhất là những ngày cuối năm.

Những ngày cận Tết, người dân Phúc Am đều miệt mài với "vàng mã", bà Nguyễn Thị Tuyết - người dân thôn Phúc Am cho biết: "Tôi đã làm nghề này được gần 20 năm, những ngày gần Tết, mọi người trong gia đình tập trung làm ngày đêm để hoàn thiện đơn hàng giao cho khách đúng thời hạn".

Thủ phủ vàng mã lớn nhất Thủ đô tất bật ngày đêm - Ảnh 3.

Vàng mã được trưng bày để trước cửa nhà dân.

Không giống nhiều địa phương làm hàng mã nổi tiếng khác như: Làng Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), làng Văn Hội ( xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng, quần áo và đồ trang sức, làng Phúc Am lại tập trung vào các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe... chủ yếu phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu…

Theo quan sát của phóng viên, tại hầu khắp các cơ sở sản xuất trong làng Phúc Am cũng đều đang hối hả làm vàng mã dù sức tiêu thụ năm nay có chậm hơn cùng kỳ năm trước.

Tuy lượng đơn hàng có sự sụt giảm so với mọi năm nhưng xưởng vàng mã của anh Nguyễn Hải Bình vẫn tất bật hoàn thành những đơn hàng trước Tết. Anh Bình chia sẻ: "Cách đây khoảng vài tháng, chúng tôi phải chuẩn bị hầu hết những hoa văn, họa tiết trên những chiếc mũ này và tự dán bằng tay. Và vẫn sử dụng hồ dán theo công thức pha chế của các cụ ngày xưa để lại để tránh bị chuột gặm nhấm. Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí mua keo dán và bền hơn so với mặt hàng khác".

Thủ phủ vàng mã lớn nhất Thủ đô tất bật ngày đêm - Ảnh 4.

Nghề làm hàng mã chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế của bà con nơi đây.

Một mô hình nộm tướng lĩnh nếu mua số lượng lớn có giá dao động từ khoảng 200.000 – 300.000 đồng/hình. Trong khi mô hình ngựa, voi cao 2m được bán với giá trên 100.000 đồng/con, loại to đẹp nhất giá 500.000 đồng/con.

Theo những người thợ làm vàng mã trong làng Phúc Am, thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất, vì vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày Tết ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và nhu cầu cúng bái giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.

Hiện nay, trên địa bàn của thôn Phúc Am có khoảng 180 hộ dân sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem