Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Có nơi chỉ in tài liệu đã tốn 100 triệu, thúc đẩy số hóa ngay

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 25/08/2020 13:00 PM (GMT+7)
"Chúng ta cần đẩy mạnh số hóa hồ sơ các sản phẩm OCOP, qua đó dễ dàng trong quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí cho địa phương và chủ thể tham gia" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020.
Bình luận 0

Ngày 25/8, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đã tổ chức triển khai kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam dự và chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Có địa phương in tài liệu tốn 100 triệu đồng", cần thúc đẩy số hóa hồ sơ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020.

Theo Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020, Hội đồng đánh giá chuyên ngành tổ chức đánh giá lần 1 trong tháng 8 và 9/2020.

Hội đồng OCOP cấp Quốc gia đánh giá lần 2 dự kiến trong cuối tháng 9/2020 sau khi hoàn tất đầy đủ hồ sơ, thủ tục của đánh giá lần 1 và đáp ứng các yêu cầu được quy định đại Điều 3 của Quyết định số 1653/QĐ-BNN-VPĐP ngày 11/5/2020.

Để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020, các tổ tư vấn giúp việc Hội đồng được thành lập theo Quyết định của Bộ NNPTNT. Theo đó, 3 tổ tư vấn được thành lập để giúp việc cho Hội đồng OCOP cấp Quốc gia.

Tổ tư vấn tổ chức triển khai nhiệm vụ theo các bước, cụ thể: Bước 1, tiếp nhận danh sách và hồ sơ đề nghị của địa phương; Bước 2, kiểm tra thực tế các chủ thể; Bước 3, nghiên cứu và đánh giá hồ sơ sản phẩm; Bước 4, họp tổ tư vấn để đánh giá hồ sơ sản phẩm; Bước 5, xây dựng báo cáo đánh giá hồ sơ sản phẩm.

Năm 2020, Hội đồng OCOP cấp Quốc gia sẽ đánh giá 25 sản phẩm OCOP của 7 tỉnh, gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Sóc Trăng và Kon Tum. Trong đó, riêng tỉnh Sóc Trăng có nhiều nhất, với 8 sản phẩm được đánh giá, phân hạng năm nay.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: "Có địa phương in tài liệu tốn 100 triệu đồng", cần thúc đẩy số hóa hồ sơ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (thứ ba từ bên phải ảnh) - người được ví như "phù thuỷ" đất sét đang giới thiệu sản phẩm gốm sứ mỹ nghệ Bát Tràng với đoàn cán bộ của TP Hà Nội. Năm 2020, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh sẽ có 4 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, ngoài mục tiêu phát triển kinh tế, Chương trình OCOP còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn.

Cụ thể, OCOP góp phần giúp giải quyết việc làm, an sinh xã hội, từ đó giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.

Bên cạnh đó, chương trình cũng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; phát huy nguồn nhân lực cộng đồng như: Tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng lưu ý: "Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề tiêu chuẩn, thứ hạng của sản phẩm OCOP, mà phải nhìn nhận đây là sản phẩm của ngành nghề nông thôn, qua đó nâng giá trị sản phẩm của vùng nông thôn".

Một vấn đề nữa Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, đó là cần đẩy mạnh số hóa hồ sơ các sản phẩm OCOP, qua đó giúp dễ dàng trong quản lý, giảm bớt thủ tục hành chính và tiết kiệm chi phí cho địa phương và các chủ thể tham gia.

Thứ trưởng lấy dẫn chứng thực tế: "Trong một lần làm việc với địa phương, có một chủ thể OCOP nói rằng, riêng chi phí để photocopy cho 10 quyển tài liệu đã tốn 100 triệu đồng". 

Từ ví dụ thực tế này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, công tác số hóa hồ sơ đối với các sản phẩm OCOP hiện nay là rất cần thiết, các địa phương cần sớm thúc đẩy được vấn đề này.

Mục tiêu của Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm: Đến hết năm 2020 đạt khoảng 2.400 sản phẩm (đến tháng 7/2020 đã có 1.823 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận); định hướng đến năm 2030 khoảng 4.800 sản phẩm.

Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp.

Phát triển mới các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP: Đến hết năm 2020 có khoảng 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX tham gia Chương trình (đến tháng 6/2020 đã có 317 doanh nghiệp và 410 HTX tham gia); định hướng đến năm 2030 khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX tham gia.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem