Trần Khánh
Thứ hai, ngày 27/12/2021 19:15 PM (GMT+7)
Dù có nhiều lợi thế, doanh nghiệp và nông dân trồng điều ở Bình Phước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trên cùng con đường khẳng định giá trị ngành điều. Một mùa điều mới ở Bình Phước sắp bắt đầu nhưng nỗi lo từ những vụ điều năm trước vẫn còn ngổn ngang.
Ông Đào Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bù Đăng cho biết, vụ điều vừa qua, giá điều đầu vụ còn ở mức 30.000 đồng/kg, nhưng càng vào chính vụ giá điều càng giảm, chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Theo ông Dũng, người dân cũng quan tâm chuyển đổi, cải tạo vườn điều, tuy nhiên những vườn điều già cỗi ở huyện còn rất lớn. Vì thế, việc nâng cao năng suất và chất lượng hạt điều còn hạn chế. Giá thu mua hạt điều vì thế cũng khó đạt mức cao.
Theo Sở NNPTNT, chất lượng hiện trạng vườn điều Bình Phước vẫn ở mức thấp. Bình Phước hiện có khoảng 56,5% diện tích điều trên 15 năm tuổi.
Những vườn điều già cho năng suất, chất lượng không ổn định lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năng suất bình quân của vụ điều năm 2021 có tăng hơn so với cùng kỳ, nhưng cũng chỉ đạt chưa đến 1,5 tấn/ha. Mức năng suất này vẫn còn thấp so với tiềm năng.
Vì thực tế, vẫn có những vườn điều đạt 3 - 4 tấn/ha. Đó là những vườn điều sử dụng giống ghép hoặc canh tác theo hướng hữu cơ.
"Sở NNPTNT đang đề nghị để được Bộ NNPTNT hỗ trợ cho Bình Phước mỗi năm tái canh 10.000ha điều, tương ứng với hơn 2 triệu cây điều giống cho 3 năm liên tiếp".
Bà Lê Thị Ánh Tuyết -
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước
Muốn tái canh vườn điều đòi hỏi nguồn vốn và thời gian, điều mà nhiều nông dân khó có thể đáp ứng. Nông dân Hoàng Đình Mạnh (ở xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng) nói: "Khi không có vốn thì nông dân cứ phải giữ vườn điều cũ để duy trì nguồn thu nhập ít ỏi, có điều kiện tới đâu mới làm tới đó" - ông Mạnh nói.
Tỉnh Bình Phước đã quy hoạch bài bản vùng trồng điều. Sản phẩm hạt điều cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đó là những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng, gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời giúp nông dân nâng cao chất lượng và sản lượng cho cây điều.
Thế nhưng, 3 năm sau khi được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp và nông dân vẫn loay hoay, không tìm được tiếng nói chung trên cùng con đường khẳng định giá trị ngành điều. Rất ít doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung.
Chuỗi giá trị đứt rời
Ông Đào Văn Dũng cho biết, hạt điều Bình Phước chỉ mới đáp ứng được khoảng 30% nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Phần lớn hạt điều của nông dân không trực tiếp đến tay doanh nghiệp. Việc mua bán hạt điều qua trung gian càng khiến nông dân dễ bị o ép giá.
Chất lượng hạt điều bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết bất lợi càng đẩy các doanh nghiệp ra xa nguồn nguyên liệu ở địa phương. Khi đã thiếu nguyên liệu thì doanh nghiệp buộc phải đi nhập. Việc tiếp cận nguồn này lại dễ dàng vì nguyên liệu nhập khẩu vốn rất dồi dào.
Hệ lụy là sau 16 năm đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân chế biến, đến tháng 6/2021, lần đầu tiên ngành điều cả nước rơi vào tình thế nhập siêu hơn 1 tỷ USD. "Vị thế chế biến xuất khẩu nhân điều của cả nước và Bình Phước cũng bị thách thức" - ông Dũng phân tích.
Theo bà Nguyễn Thị Mỵ - Tổng Giám đốc Công ty CP Hà Mỵ ở huyện Đồng Phú, nông dân vẫn mong chờ giá cao trong khi doanh nghiệp lại mong hạt điều phải chất lượng, giá thành thấp.
Bà Mỵ cho rằng: "Người trồng điều phải làm sao để chất lượng hạt điều cao hơn, sản lượng nhiều hơn và giá thành vừa phải thì các doanh nghiệp mới thu mua, sản xuất để dễ cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường thế giới".
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước cho biết, hạt điều chưa tạo được sự tách biệt rạch ròi về giá trị với hạt điều nhập khẩu. Giá thu mua điều của nông dân vẫn còn phụ thuộc vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, để giải quyết được bài toán này không phải chuyện một sớm một chiều.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 3.200ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ và được các doanh nghiệp thu mua rất tốt.
Đây là những hạt nhân để xây dựng thương hiệu điều Bình Phước. Song song đó là đẩy nhanh tốc độ tái canh vườn điều, và sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng.
Mỗi năm, tỉnh Bình Phước đều có chương trình hỗ trợ cây điều giống. Nhưng với nguồn lực kinh phí hạn hẹp, sự hỗ trợ này mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho 4 đối tượng: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ gia đình chính sách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.