Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị: Cần chuyển đổi tư duy để nền nông nghiệp phát triển bền vững

D,Hùng Thứ sáu, ngày 13/10/2023 06:31 AM (GMT+7)
Phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị cho rằng: Việc chuyển đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” là nhu cầu tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững.
Bình luận 0

Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh những đóng góp vô cùng to lớn của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã với nền nông nghiệp, giúp ngành nông nghiệp và PTNT đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đã đề ra. 

Năm 2022, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36%, là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,5 tỷ USD, tăng 9%, suất siêu đạt 8,5 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới là 6.009/8.225 xã (73,06%), tăng 4,8%; số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên có trên 10.000 sản phẩm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Đến nay, cả nước có 29.378 hợp tác xã (HTX), 125 liên hiệp HTX và 71.000 tổ hợp tác, so với năm 2013, số HTX tăng 51,8%, Liên hiệp HTX tăng 66%.

Những con số đó đã chứng minh cho hiệu quả của các chuỗi liên kết mà các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng nhau xây dựng trong thời gian qua. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị: Cần chuyển đổi tư duy để nền nông nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị; Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm đồng chủ trì Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, đứng trước yêu cầu phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nền nông nghiệp xanh, việc chuyển đổi tư duy sản xuất là rất quan trọng.

Để chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy về kinh tế nông nghiệp theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc Trị cần trả lời được các câu hỏi: Tư duy sản xuất nông nghiệp là gì? Tại sao phải chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp? Tư duy kinh tế nông nghiệp là gì? Định hướng, giải pháp chuyển đổi trong thời gian tới?

Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị phân tích: Tư duy sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu là sản xuất tập trung vào sản lượng. Chú trọng tăng năng suất để tăng sản lượng, qua đó hy vọng gia tăng giá trị sản phẩm. Cùng với đó là sản xuất đơn ngành, đơn giá trị, không hợp tác liên kết với các ngành, các khu vực khác; không gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Tư duy sản xuất nông nghiệp của nhiều nông dân vẫn chỉ sản xuất dựa trên cái mình có chứ không hoặc ít theo tín hiệu của thị trường.

Chính vì lối tư duy sản xuất như vậy mà còn tồn tại tình trạng "được mùa rớt giá, được giá thì không có sản phẩm". Sản phẩm thường bán dưới dạng thô nên không có lợi nhuận cao, phó mặc hoặc phụ thuộc hoàn toàn và thương lái. Người sản xuất cũng không chú ý đến nhãn hiệu hàng hóa hay truy xuất nguồn gốc…

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị: Cần chuyển đổi tư duy để nền nông nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Quốc trị phát biểu tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023. Ảnh: Viết Niệm

Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, cần thiết phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

"Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy để sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường và đạt được lợi nhuận cao nhất có thể. Chuyển từ sản xuất "nâu" sang xản xuất "nông nghiệp xanh" gắn với chế biến, đáp ứng như cầu của thị trường theo hướng "tiêu dùng xanh". Có tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm nông nghiệp. Có sự hợp tác, liên kết đa ngành, liên ngành theo chuỗi giá trị và gia tăng giá trị trong tất cả các mắt khâu của quá trình tái sản xuất mở rộng. Là hoạt động sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang chuỗi giá trị ngành hàng", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Quốc Trị: Cần chuyển đổi tư duy để nền nông nghiệp phát triển bền vững - Ảnh 2.

Mô hình trồng hoa cúc tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng tiêu biểu cho việc sản xuất kinh tế nông nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Văn Long.

Để chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, cần hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực và đối với từng lĩnh vực sản xuất chiến lược.

Phải tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững.

Phải xây dựng các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững. Hình thành một số khu cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, hình thành vùng nguyên liệu tập trung.

Phải thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng; thu hút doanh nghiệp đầu tàu vào dẫn dắt chuỗi giá trị, liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác. Phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp du lịch trải nghiệm.

Phát triển cảnh quan nông thôn gắn với làng sinh thái, đảm bảo môi trường xanh sạch thân thiện với thiên nhiên. Giảm sức ép và tái tạo nguồn tài nguyên cơ bản. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Áp dụng biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý và sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên, xử lý phế phụ phẩm, quản lý rừng bền vững, tăng trồng mới; Xây dựng hệ thống cảnh báo dự báo, xác định rủi ro.

Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Trong nước, đổi mới hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng, kết nối vùng sản xuất chuyên canh với hệ thống tiêu thụ, hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi sản xuất logistics ở vùng trọng điểm. Xuất khẩu, chủ động phát huy cơ hội các hiệp định thương mại tự do, phát triển xuất khẩu chính ngạch. Phân cấp trao quyền, nâng cao năng lực cho hiệp hội ngành hàng. Xây dựng hệ thống thông tin cung cầu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem