Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Thông báo xả lũ phải đến đúng địa chỉ, không có chuyện phát trên loa nhưng loa... bị hỏng
Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Thông báo xả lũ phải đến đúng địa chỉ, không có chuyện phát trên loa nhưng loa... bị hỏng
P.V
Thứ ba, ngày 16/07/2024 16:06 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa có công điện khẩn đề nghị Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy; còn tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo, công tác xả lũ phải đảm bảo an toàn.
Lấy ví dụ về vụ xả lũ tại một công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vừa qua gây ảnh hưởng đến người dân, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, sạt lở do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức ngày 15/7, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, có thể tích nước sớm hơn, nhưng ở thời điểm này phải ưu tiên vận hành an toàn. Đặc biệt, khi xả phải có thông báo đến đúng địa chỉ cụ thể.
"Vụ hồ thủy điện tại Hòa Bình vừa rồi xả lũ gây thiệt hại cho xã hội nhưng nguyên nhân là thông báo xả lũ với phạm vi cách 2km nhưng phát trên loa, mà loa lại bị hỏng. Như thế này không đúng. Bây giờ quy định đã có quy định cụ thể, hồ nhỏ thông báo trước 8 tiếng, hồ lớn báo trước 12 tiếng. Các khu vực liên hồ chứa đã có quy trình rồi. Phải thông báo đến đúng địa chỉ cần thiết. Trước khi xả lũ phải thông báo đến đúng địa chỉ cần thiết", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo, để ứng phó với diễn biến thiên tai trong những ngày tới, đặc biệt là mưa lớn, cần đảm bảo an toàn công trình hồ đập nhất là ở hệ thống thủy điện bậc thang Hòa Bình, Sơn La trong mùa mưa lũ, làm sao vừa xả lũ đảm bảo an toàn nhưng phải có nước đảm bảo sản xuất khi mùa mưa lũ đi qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, dung tích về các hồ thủy lợi ở khu vực miền Trung mới tích được từ 40-60%, tuy nhiên ở Hà Tĩnh có hồ đã tích được khoảng 90%, cũng có hồ mới 30%. Vì vậy cần rà soát toàn bộ hồ đập ở các địa phương để làm sao tích nước hợp lý, đảm bảo an toàn.
Được biết, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29/6/2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và Công điện số 5021/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 16/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang mở cửa xả đáy vào hồi 16h00 ngày 16/7/2024.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh các tỉnh, thành phố tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ. Báo cáo và đề xuất kịp thời phương án xử lý các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình xả lũ về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Trước đó, theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng, UBND huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) vào trưa 9/6/2024, Nhà máy thủy điện Suối Mu (xã Tự Do) mở cống xả cát của đập để xả nước. Điều này dẫn tới lưu lượng nước lớn đổ dồn về hạ lưu, dòng chảy mạnh làm cho nhiều người dân và du khách đang tắm suối ở hạ nguồn hoảng loạn. Báo cáo nêu rõ, trước thời điểm nhà máy mở cống xả nước đã phát loa cảnh báo để người dân nắm được. Tuy nhiên, vị trí phát loa báo động nằm cách xa khu vực người dân sinh sống và nơi du khách đang tắm hơn 2km, nên không ai nghe thấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.