Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: “Tấm áo giáp” bảo vệ bờ sông, bờ biển ĐBSCL mỏng dần

Anh Thơ (thực hiện) Thứ hai, ngày 29/06/2020 08:00 AM (GMT+7)
Lần đầu tiên, dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang) được đặt ra do tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến sạt lở ở ĐBSCL nghiêm trọng hơn là do lượng phù sa về đồng bằng giảm.
Bình luận 0
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: “Tấm áo giáp” bảo vệ bờ sông, bờ biển ĐBSCL mỏng dần - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp.

Nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong có thể khiến các quốc gia dưới hạ lưu bị ảnh hưởng, trong đó có ĐBSCL. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

- Phải khẳng định, đây là một vấn đề lớn, cần có nghiên cứu một cách hết sức bài bản. Tuy nhiên, việc phát triển ở thượng nguồn sông Mekong có ảnh hưởng đến ĐBSCL không thì tôi khẳng định là có, trong đó có những ảnh hưởng xấu. 

Dưới góc độ tác động đến sản xuất nông nghiệp thì điều đáng lo ngại nhất là các nước chuyển nước khỏi lưu vực sông Mekong, khi đó nước về hạ lưu ít, dòng chảy thay đổi sẽ khiến hạn mặn, sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn. 

Nếu nước ở thượng nguồn bị chuyển dòng thì lượng nước về ĐBSCL chắc chắn sẽ giảm. Đây là nguy cơ lớn nhất về sản xuất, sinh hoạt cho người dân vùng hạ lưu.

Vậy theo Thứ trưởng, tác động lớn nhất đến ĐBSCL nếu nước từ thượng nguồn về ít là gì?

- Thống kê sơ bộ, hiện nay các quốc gia trên dọc lưu vực sông Mekong đang xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất 60 tỷ mét khối, đến năm 2030, dự kiến khoảng 100 tỷm2.

Nguyên tắc hoạt động của thủy điện là tích nước vào mùa mưa để phát điện vào mùa hạn. Ở góc độ điều hành nguồn nước thì khi có các nhà máy thủy điện nước ở mùa kiệt sẽ nhiều hơn, nước về mùa lũ sẽ nhỏ hơn trước. Đối với ĐBSCL, khả năng lũ lớn không còn.

Tuy nhiên, theo tôi, việc xây các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ khiến phù sa chảy về ĐBSCL giảm dần. Đây mới là nguy cơ.

Bởi khi phù sa không về đồng bằng sẽ làm thay đổi toàn bộ quy luật dòng chảy, gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, dòng chảy mùa kiệt trở nên nhiều hơn trong khi mùa lũ ít đi.

Đã có một dự báo của các nhà khoa học đưa ra rằng, nếu tất cả các nhà máy thủy điện trên sông Mekong hoạt động thì lượng phù sa về đồng bằng chỉ còn 5%. Khi đồng bằng châu thổ không còn phù sa cũng giống như không còn tấm áo giáp đủ sức nặng để ngăn cản các con sóng.

Phù sa ở biển rất quan trọng, khi sóng biến đánh vào, nếu lượng phù sa dày và nặng sẽ biến thành tấm áo giáp ngăn cản, giảm năng lượng của những con sóng khi đánh vào bờ, từ đó hạn chế xói lở.

Bờ sông nếu không còn phù sa làm thay đổi quy luật dòng chảy, tạo thành những hố xoáy có thể gây ra sạt lở.

Về mặt môi trường, phù sa không về đồng nghĩa với việc các vi sinh vật có ích, phù du bị ngăn lại, nguồn lợi thủy sản không còn, ảnh hưởng đến sinh kế của những người dân sống dựa vào mùa lũ. Nói cách khác, không có lũ sẽ không còn bản sắc của đồng bằng châu thổ.

Mất “tấm áo giáp” bảo vệ bờ sông, bờ biển - Ảnh 1.

Phù sa về ĐBSCL giảm làm gia tăng tình trạng sạt lở. Trong ảnh: Điểm sạt lở ở Quốc lộ 91, đoạn qua xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang). Ảnh: I.T

Sử dụng chung nguồn nước sông Mekong một cách hiệu quả, bền vững và hài hòa là vấn đề các nước có chung dòng Mekong đã nhiều lần được đặt ra trên bàn nghị sự. Vậy, đâu là giải pháp cho vấn đề này, thưa Thứ trưởng?

- Để việc phối hợp sử dụng nguồn nước sông Mekong hiệu quả, các nước trong khu vực đã thành lập Ủy ban sông Mekong (MRC) gồm 4 thành viên: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

 Bên cạnh đó, cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (MLC) cũng được xây dựng với sự tham gia của đủ 6 quốc gia ven dòng sông Mekong – Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc. Nguyên tắc hoạt động của ủy ban là trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin...

Tuy nhiên, trong quy chế của Liên Hợp Quốc nêu rõ, các quốc gia hoàn toàn có quyền sử dụng dòng sông chảy qua địa phận mình. Do vậy, trong đấu tranh với các nước thượng nguồn, chúng ta phải khéo léo và có bài bản, ưu tiên đấu tranh để hạn chế việc chuyển nước khỏi khu vực.

Một vấn đề quan trọng khác là cần phải chia sẻ thông tin trong điều hành như mực nước về hồ của các nước, mức xả bao nhiêu, dự kiến thế nào. Điều này rất quan trọng, nếu không có thông tin trong điều hành hồ chứa thì sẽ bị động.

Tinh thần chủ động đã phát huy hiệu quả trong vụ lúa đông xuân 2019 – 2020 dù hạn mặn đã xác lập kỷ lục mới. Vậy các địa phương vùng ĐBSCL cần làm gì để cân bằng nguồn nước, thưa Thứ trưởng?

- Ước tính sơ bộ, dòng chảy về lưu vực ĐBSCL những năm nước cao là 450 tỷ m3, năm nước thấp như năm nay là 350 tỷ m3. Nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt, sản xuất trong một năm ở ĐBSCL là 20 tỷ m3. 

Như vậy, nguồn nước của chúng ta không thiếu, vấn đề là phải có giải pháp tích trữ phù hợp để dùng trong những tháng mùa khô bằng các giải pháp công trình.

Nếu có dự báo đúng, chúng ta sẽ có ứng xử phù hợp, ví dụ như vụ đông xuân vừa qua, chúng ta đã chủ động đẩy sớm lịch thời vụ để né hạn mặn nên thiệt hại giảm đáng kể. Vậy với dự báo lũ lớn ở ĐBSCL sẽ khó xuất hiện thì các địa phương có thể tính lại cơ cấu mùa vụ.

ĐBSCL sản xuất phụ thuộc vào nước, khi dòng chảy thay đổi thì phải tính toán lại mùa vụ, đẩy sớm vụ hè thu lên, nếu dự báo chính xác, các địa phương có thể tăng diện tích lúa thu đông.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem