Thứ trưởng Y Thông đề xuất 5 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Khánh Ly Thứ sáu, ngày 08/12/2023 13:55 PM (GMT+7)
Ngày 08/12/2023, tại Hà Nội, Hội Hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam phối hợp cùng với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Tập đoàn VRISEM tổ chức Hội thảo: "Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ".
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc (UBDT), Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam bày tỏ đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các Dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB).

Hội thảo - Ảnh 1.

TS. Bế Trường Thành, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Dân tộc, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi Việt Nam.

Vùng TD&MNBB bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người DTTS, chiếm trên 56 % dân số của vùng và chiếm gần 50 % số người DTTS của cả nước; có đường biên giới giáp với hai nước Lào và Trung Quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; là địa bàn giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu...

Dù vậy, vùng TD&MNBB vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn rất lớn (12,29%) và cao gấp 4,6 lần so với mức trung bình toàn quốc (2,75%) do quy mô kinh tế còn nhỏ so với các vùng khác; một số lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chuyển biến chậm.

Để phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, tham dự hội thảo, ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương vùng TD&MNBB quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng, bao gồm:

Thứ nhất, nhìn chung kết cấu hạ tầng vùng TD&MNBB còn thiếu, đang xuống cấp mạnh và chất lượng hạn chế, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, chưa đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, phấn đấu đến năm 2030 có 85% số xã, thôn trong vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Thứ hai, hoạt động sản xuất đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, thiếu kết nối… Do đó, cần triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn để tăng thu nhập, hỗ trợ lao động tại chỗ tiếp cận việc làm phi nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030 có tối thiểu 40% lao động người DTTS biết làm các ngành, nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; có 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%.

Hội thảo - Ảnh 2.

Ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ.

Thứ ba, theo số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chỉ chiếm khoảng 14 - 15%, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chiếm khoảng 18%, chưa đạt tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg; có tới trên 87% người DTTS có việc làm từ 15 tuổi trở lên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Do đó, cần chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát Đảng, chính quyền; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang mà nòng cốt là bộ đội biên phòng, công an và dân quân tự vệ trong việc giúp đỡ nhân dân, vận động nhân dân bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Cuối cùng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến vùng TD&MNBB. Tổ chức thực hiện tốt chính sách theo hướng giảm dần cơ chế "cho không", tăng chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện, đầu tư kết cấu hạ tầng cho cộng đồng để phát triển kinh tế; gắn giảm nghèo với các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình, văn hóa, giáo dục, y tế...; tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các nguồn lực; phát huy tinh thần tự lực tự cường và quyền làm chủ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Hội thảo - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo.

Theo GS.TS.BS. Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, vấn đề dinh dưỡng của bà mẹ trẻ em, nâng cao thể trạng của nhân dân cũng là một trong những yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội TD&MNBB.

Vì vậy, bà Hợp cho hay, cần xây dựng và triển khai một số chương trình/ dự án tổng thể, dài hạn về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ trẻ em và người dân vùng TD&MNBB như: dự án phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm đói nghèo đảm bảo an ninh thực phẩn hộ gia đình đặc biệt những gia đình phụ nữ TSĐ ở những vùng nghèo có tỷ lệ SDD trẻ em và bà mẹ cao; xây dựng mạng lưới cán bộ y tế, dinh dưỡng vững mạnh để triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030

Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

10 dự án thành phần với các tiểu dự án:

Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết.

Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc.

Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. (Dự án gồm 2 tiểu dự án)

Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. (Dự án gồm 3 tiểu dự án)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem