Nguồn nhân lực vùng dân tộc miền núi: Vừa thiếu, vừa yếu

Thứ năm, ngày 16/08/2012 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn 50% người nghèo là người dân tộc; 70% người dân tộc trong độ tuổi lao động tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp; chỉ số về y tế, giáo dục thấp hơn so với chỉ số phát triển chung của cả nước...
Bình luận 0

Đó là những kết quả vừa được công bố tại Diễn đàn Chính sách về Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi do Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức.

img
Người dân tộc cần được hỗ trợ để tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế.

Chất lượng nguồn nhân lực kém

Theo số liệu từ UBDT, hiện cả nước có khoảng 30 triệu người sống trên địa bàn thuộc vùng dân tộc và miền núi, trong đó hơn 12 triệu người (chiếm 14,27%) là người dân tộc thiểu số. Đa phần lao động này hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhiều khu vực như miền núi trung du phía Bắc và Tây Nguyên tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 70% cơ cấu lao động. Với chất lượng nguồn nhân lực như trên, không chỉ gặp khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động, mà nhiều vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục và dạy nghề cũng gặp những cản trở lớn.

Đáng lo ngại là hiện tỷ lệ mù chữ ở đồng bào DTTS vẫn còn ở mức cao trên 2 con số. Tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là trên 12%, vùng Tây Nguyên, ĐBSCL trên 11%. Một số tỉnh có tỷ lệ người mù chữ cao, như Lai Châu xấp xỉ 50%, Hà Giang 35%, Điện Biên trên 30%; cá biệt có tới 90% người La Hủ chưa từng đi học...

Ngoài ra, trẻ em vùng dân tộc cũng có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất cả nước, như người Mảng, La Hủ tỷ lệ suy dinh dưỡng lên tới 45-50%; tỷ lệ trẻ chết dưới 1 tuổi cũng cao gấp 2, thậm chí 3 lần so với cả nước; đặc biệt chỉ có hơn 50% bà mẹ mang thai là người DTTS, sống ở khu vực miền núi được thăm khám và chăm sóc sức khỏe sinh sản...

Tập trung chăm sóc y tế, giáo dục

Để giải quyết tình trạng trên, tại diễn đàn, các ý kiến đều nhất chí với hai nhóm giải pháp nâng cao nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi là tăng cường sức mạnh cho hệ thống y tế và giáo dục.

Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho rằng: "Hiện hơn 50% người nghèo trong cả nước là người DTTS. Nghèo đói là nguyên nhân chính dẫn tới việc chất lượng nguồn nhân lực tại vùng này không chỉ thiếu mà còn rất yếu kém. Cơ sở hạ tầng kém, điều kiện sinh hoạt, kinh tế còn khó khăn và địa hình hiểm trở đã hạn chế điều kiện và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe và môi trường".

“Cần phải tăng cường hơn nữa chính sách hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại... cho học sinh nội trú, bán trú các dân tộc rất ít người”.

Theo ông Phước, muốn thúc đẩy nội lực, tăng cường sức mạnh cho nguồn nhân lực tại đây thì cần phải đẩy mạnh các giải pháp cải tạo, hỗ trợ phát triển y tế, giáo dục, trong đó có dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động vùng dân tộc.

Đồng tình với việc tăng cường hệ thống giáo dục, ông Nguyễn Hữu Tám- chuyên viên Bộ Nội vụ cho rằng: "Cần đẩy mạnh hơn nữa dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai, trẻ em nhỏ dưới 6 tuổi. Ngoài ra cũng cần tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác y tế thôn bản, tăng cường hệ thống máy móc cho trạm y tế thôn bản trong thời gian tới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem