8h20:
Tại Hà Nội, Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Đoàn học sinh thanh thiếu niên Hà Nội vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Ảnh: Lê Hiếu.
8h10:
Đoàn Campuchia do Bộ trưởng Bộ quốc phòng dẫn đầu vào viếng Đại tướng.
Đoàn Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật dẫn đầu vào viếng.
Ảnh: Lê Hiếu.
7h45:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi những lời chia buồn với gia quyến vào sổ tang.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi những lời chia buồn tới gia quyến Đại tướng Lê Đức Anh.
Lời chia buồn sâu sắc của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu.
Đoàn dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ và bước chậm rãi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: Ngọc Thắng.
Tại TP.HCM:
Bí thư thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân ghi sổ tang.
Trung tướng Võ Minh Lương ghi sổ tang tại Dinh thống nhất.
Đoàn đại biểu các quân đoàn, quân khu phía Nam vào viếng Đại tướng.
7h40:
Tại Huế: Nhiều đoàn viếng ngoại tỉnh cũng đến viếng từ rất sớm. Đoàn tỉnh Quảng Nam là một trong những đoàn ngoại tỉnh đến viếng sớm nhất.
Các đại biểu viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Tỉnh đội trưởng TT Huế- Đại tá Nguyễn Hồng Sơn xúc động ghi sổ tang.
Ông Lê Như Chánh, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã 2 lần được gặp Đại tướng. Lần gần đây nhất là được ra thăm Đại tướng ở Hà Nội năm 2018. Ông rất tự hào khi có một người họ Lê, một người anh cả như Đại tướng. Đó là niềm tự hào để con cháu họ lê phấn đấu, học tập.
Người thân, con cháu Đại tướng nơi quê nhà đau buồn tại lễ viếng.
7h30:
Tại TP.HCM: Lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu có mặt từ rất sớm.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn viếng.
7h15:
Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu, Đoàn dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ và bước chậm rãi vòng quanh linh cữu tiễn biệt Đại tướng Lê Đức Anh. Nhiều người tay chắp trước ngực, đầu cúi thấp khi bước đến bên linh cữu cố Chủ tịch nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt để thực hiện lễ viếng.
Đại biểu xếp hàng dài vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm dẫn đầu đoàn Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an vào viếng.
Đoàn Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tại lễ viếng.
\
Ảnh: Lê Hiếu.
7h:
Phó thủ tướng Trương Hoà Bình có bài phát biểu mở đầu tang lễ, nhấn mạnh đến những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua nhiều trọng trách khác nhau. Theo ông, để đảm bảo thời gian an táng tại TP.HCM và nguyện vọng của gia đình, lễ truy điệu được tổ chức lúc 10h45 phút ngày 3/5 thay vì 11h như đã thông báo trước đây. Lễ an táng vào hồi 17h cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM.
Ảnh: Lê Hiếu.
6h30:
Vòng hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Từ 6h sáng, cờ rủ được kéo lên tại quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội bắt đầu hai ngày quốc tang tưởng nhớ cố nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Linh cữu cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đặt ở trung tâm đại sảnh nhà tang lễ số 5 Lê Tháng Tông, phủ quốc kỳ đỏ thắm. Phía sau linh cữu là di ảnh cùng dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Đoàn gia quyến, họ hàng của nguyên Chủ tịch nước với khoảng 300 người đầu đội khăn tang đã xếp hàng vào viếng; phía sau là hàng dài các đoàn khác. Ngay từ sớm, vòng hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được đưa đến nhà tang lễ.
Vòng hoa của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, công tác chuẩn bị đang được tiến hành trước khi lễ viếng chính thức diễn ra. Ảnh: VOV
Tại TP.HCM: Cùng giờ với Hà Nội, ở đầu phía Nam đất nước, Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ bắt đầu tại Hội trường Thống Nhất (quận 1). Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu tại thành phố, nguyên lãnh đạo thành phố là đoàn vào viếng đầu tiên.
Cũng tại Hội trường Dinh Thống nhất, các đoàn đại biểu quân và dân đầu tiên đã đến và chờ vào viếng tang, tỏ lòng thương tiếc vị Đại tướng Anh hùng.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra công tác chuẩn bị tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM.
7 giờ sáng nay, Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu đồng thời tại 3 điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh; Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tang lễ Đại tướng Lê Đức Anh sẽ diễn ra với nghi thức Quốc tang. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Trong hai ngày 3 và 4.5 diễn ra Lễ Quốc tang, các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được quàn tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Tại Hà Nội, lễ viếng bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 3.5 tại Nhà Tang lễ Quốc gia. Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh từ 11h cùng ngày tại Nhà Tang lễ Quốc gia.
Tại TP.HCM, lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh sẽ bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 3.5, lễ truy điệu từ 11h cùng ngày tại Hội trường Thống Nhất (135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, quận 1). Lễ an táng diễn ra lúc 17h cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM (quận Thủ Đức).
Sau lễ truy điệu, linh cữu cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ từ Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông đi qua nhà công vụ ông từng ở (số 5A Hoàng Diệu), lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi ra sân bay Nội Bài vào TP.HCM. Tại TP.HCM, linh cữu sẽ qua quân khu 7, nơi ông từng là Tư lệnh kiêm Chính uỷ quân khu, đi qua nhà riêng 240 Pasteur trước khi đến nghĩa trang TP.HCM.
Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đã sẵn sàng cho lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Trước đó, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22.4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội.
Sinh năm 1920, tại xã Lộc An (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít người có sự nghiệp gắn liền với nhiều thời kỳ cách mạng.
Ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1938, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới Phía Bắc.
Năm 1981-1986, ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, kiêm tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 5 bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam từ năm 1986.
Tháng 2.1987, ông làm Bộ trưởng Quốc phòng. Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Từ năm 1997, ông là cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu năm 2001.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được khen thưởng: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhất và nhiều huân chương của Liên Xô (cũ), Cu Ba, Campuchia, Lào. Ông là đại biểu Quốc hội khóa: VI, VII, VIII và IX; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa IV đến VIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa: V, VI, VII và VIII.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.