Thủ tướng: Năm 2025 sẽ có 3.000 km đường cao tốc, sắp trình Đề án về đường sắt cao tốc
Thủ tướng: Năm 2025 sẽ có 3.000 km đường cao tốc, sắp trình Đề án về đường sắt cao tốc
An Linh
Thứ hai, ngày 23/10/2023 12:01 PM (GMT+7)
Hàng loạt mục tiêu cụ thể về cơ sở hạ tầng được người đứng đầu Chính phủ báo cáo trước Quốc hội sáng nay 23/10 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khoá XV.
Thông tin với Quốc hội, Thủ tướng khẳng định, hiện các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc. Trong đó có các tuyến cao tốc đã hoàn thành là: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Vân Đồn - Móng Cái, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu. Đồng thời, nhiều dự án lớn, trọng điểm được khởi công, khánh thành.
Hiện đã khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 03 cao tốc trục Đông - Tây, nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Đại Ngãi, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, hợp long cầu Mỹ Thuận 2...); phấn đấu khởi công thêm 05 dự án vào cuối năm 2023 (Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Hòa Liên - Túy Loan) và hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (trong đó có cầu Mỹ Thuận 2).
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, hiện tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78 km, trong đó, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ 40 km, Mỹ Thuận - Cần Thơ 23 km, cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 15 km.
Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ ngành và địa phương thời gian tới là đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng.
Đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025. Nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số dự án tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024. Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng cho biết một số dự án hạ tầng ưu tiên đẩy mạnh như mở rộng cảng hàng không Điện Biên; nâng cấp luồng vào khu bến cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa), luồng vào khu bến cảng Thọ Quang (Đà Nẵng), luồng hàng hải Quy Nhơn và tuyến Chợ Gạo...
"Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Đặc biệt là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc. Khẩn trương nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp tại một số công trình hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm ngành giao thông", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Về các dự án điện và năng lượng, vấn đề đang thu hút dư luận, Thủ tướng cho biết, để đạt được những thay đổi lớn, có tính bước ngoặt, cần sớm nghiên cứu, tham mưu, xây dựng, trình phê duyệt các cơ chế, chính sách và có các giải pháp cụ thể để thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh nhất các dự án, công trình phát triển điện lực và năng lượng tái tạo.
"Đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án, công trình điện. Khẩn trương đầu tư xây dựng Dự án đường dây truyền tải 500kV từ Quảng Trạch đến Phố Nối, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6 năm 2024", Thủ tướng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.