Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trực tiếp giải quyết vướng mắc của TP.HCM

Bạch Dương Thứ hai, ngày 20/07/2020 16:13 PM (GMT+7)
Chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.
Bình luận 0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trực tiếp giải quyết vướng mắc của TP.HCM - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM chiều 20/7.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của lãnh đạo thành phố nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm, thành phố chỉ tăng trưởng 1,02% do ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời ảnh hưởng đến cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện TP.HCM còn nhiều dự án bị ách tắc, trì trệ chưa giải quyết được, yêu cầu các bộ phải trực tiếp lắng nghe xử lý, giải quyết.

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành sẽ cùng TP.HCM tháo gỡ cho các dự án bị ách tắc, chậm, trì trệ, chưa giải quyết được với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không để thất thoát tài sản Nhà nước, không để tham ô, tham nhũng xảy ra và mở rộng cơ chế tạo thuận lợi cho TP.HCM triển khai.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng. Đến ngày 15/7, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đến tháng 10/2020, giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và giải ngân cả năm 2020 đạt trên 95%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc nhưng trong quá trình thực hiện, thành phố cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đế đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố thời kỳ sau dịch Covid-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trực tiếp giải quyết vướng mắc của TP.HCM - Ảnh 2.

Dự án tuyến metro số 1.

Cụ thể, về dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, số vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại của dự án là 17.814 tỷ yên Nhật, tương đương 3.682 tỷ đồng, kiến nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là 3.676,695 tỷ đồng để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021.

Năm 2020, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công với tổng số vốn là 41.691 tỷ đồng. Đến ngày 15/7, đã giải ngân 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán (1.470 tỷ đồng) thì tỷ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.

Về dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm phê duyệt điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí để phục vụ các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập. Dự kiến, mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến Metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Đối với các tuyến vành đai của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho hay đến nay, tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín hơn 50/64 km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16/89 km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng. TP.HCM kiến nghị Thủ tướng cùng các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT và phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Đối với tuyến Vành đai 4, Chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn 2020-2025, chủ trương đầu tư cho tuyến vành đai trên cần được thông qua để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem