Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm

PVCT Thứ ba, ngày 13/09/2022 13:42 PM (GMT+7)
"Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói trong kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Bình luận 0

Không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine

Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường do virus liên tục thích ứng, tiến hóa với các biến chủng mới, hiệu lực bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, các điều kiện để virus phát triển như thời tiết, khí hậu tiếp tục có nhiều thay đổi…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Ảnh VGP

Các loại dịch bệnh mới phát sinh, các bệnh thông thường, dịch bệnh theo mùa… gây nguy cơ dịch chồng dịch. Trong khi đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan với dịch bệnh.

Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu tiêm vaccine theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, thấm nhuần, tuyệt đối không được quên "bài học xương máu" khi chúng ta chưa tiếp cận được vaccine do vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng, chống dịch, năng lực y tế hạn chế, chúng ta buộc phải dùng các biện pháp hành chính để chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vất vả, vừa nhiều mất mát, hy sinh, vừa ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế, xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục quán triệt mục tiêu đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tiêm vaccine; thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, an sinh xã hội, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Y tế bám sát tình hình, rà soát, cập nhật các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch, tinh thần là không để dịch bùng phát trở lại, cơ quan, đơn vị nào để dịch bùng phát trở lại do nguyên nhân chủ quan thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về những chủ quan, sơ hở, yếu kém của mình.

Bộ Y tế tiếp tục rà soát, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; cùng các cơ quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia tiêm vaccine; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân trên tinh thần bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm - Ảnh 2.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc họp Ban Chỉ đạo. Ảnh VGP

Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương các địa phương có tỉ lệ tiêm cao và nhắc nhở các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp theo số liệu cập nhật đến hiện nay, đồng thời giao Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn hóa số liệu về tiêm chủng vaccine trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu các tỉnh, thành phố có tỉ lệ tiêm chủng thấp nghiêm túc rà soát, làm rõ nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm trong việc chưa hoàn thành việc tiêm vaccine, khẩn trương có biện pháp khắc phục.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về bảo đảm thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất của các tổ chức, cá nhân trong công việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

"Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài. Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu việc mua sắm "đủng đỉnh" thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút", Thủ tướng nói.

Các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc thể chế về đấu thầu, mua sắm, nhất là về đấu thầu, mua sắm tập trung, sửa đổi ngay các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng, minh bạch cho việc mua sắm. Đồng thời, kiên quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong công tác này.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn đang được kiểm soát nhưng so với tháng 7/2022, tháng 8/2022 ghi nhận 72.324 ca mắc (tăng 2,4 lần), 24 ca tử vong (tăng 18 ca). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày qua (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua). Số ca mắc mới, số ca nặng, ca tử vong có xu hướng tăng (so với tháng 7, trong tháng 8, số ca nhập viện tăng 330%, số ca nặng, nguy kịch cần thở oxy tăng 316%). Có 35% ca nặng, tử vong thuộc các trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem