Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và thăm chính thức Pháp: Chuyến đi thể hiện trách nhiệm, uy tín, thực chất

Mỹ Hằng Thứ bảy, ngày 06/11/2021 15:00 PM (GMT+7)
Tiến sĩ Dương Văn Quảng, Đại sứ, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho rằng chuyến đi của Thủ tướng đã vận dụng nhuần nhuyễn ngoại giao song phương, đa phương và đạt nhiều kết quả thực chất. Những cam kết của Thủ tướng tại COP26 thể hiện rõ nét trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Bình luận 0

* Thưa Đại sứ, ông bình luận như thế nào về những kết quả và hoạt động ngoại giao dồn dập trong chuyến thăm làm việc tại Anh dự hội nghị COP26 và thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính? 

- Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng kể từ khi nhậm chức với  nhiều hoạt động song phương và đa phương. 

Về đa phương,  Thủ tướng đã dự hội nghị biến đổi khí hậu (BĐKH). Việt Nam, cũng như các nước, không thể tự mình giải quyết được vấn đề BĐKH, trong khi Việt Nam là một nước trong nhóm bị nguy cơ ảnh hưởng nhiều nhất. Khi đến Hội nghị này, tiếp theo các hội nghị trước đây như Copenhagen, Việt Nam đã cam kết rất mạnh về BĐKH. Nhưng Việt Nam cũng yêu cầu các nước phát triển phải có trách nhiệm, nghĩa vụ về các biện pháp giảm hiệu ứng nhà kính và đóng góp quỹ chống BĐKH. Những cam kết và kêu gọi đó thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và thăm chính thức Pháp: Chuyến đi thể hiện trách nhiệm, uy tín, thực chất - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và thăm chính thức Pháp: Chuyến đi thể hiện trách nhiệm, uy tín, thực chất - Ảnh 2.

Tiến sĩ Dương Văn Quảng, Đại sứ, nguyên giám đốc Học viện Ngoại giao. Ảnh: baoquocte.vn

Về song phương, Thủ tướng đã có chuyến thăm làm việc tại Anh, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam đã ký nhiều hợp đồng hàng tỷ USD, thể hiện quan hệ song phương phát triển mạnh trong bối cảnh Brexit. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương với nguyên thủ, Thủ tướng, trưởng đoàn các nước. Chủ đề chính của các cuộc gặp là BĐKH đồng thời là sự khẳng định quyết tâm, nguyên tắc của Việt Nam về đẩy mạnh quan hệ song phương. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xu thế phát triển của kinh tế thế giới bị tác động rất mạnh, nên lãnh đạo Việt Nam và các nước đều mong muốn tiếp tục những hình thức phát triển quan hệ từ trước tới nay, nhưng cũng cần tìm các phương thức nhằm tạo chuỗi cung ứng mới không bị tác động, bởi các hiện tượng, khủng hoảng như Covid-19. Đó là vấn đề không phải ngày một ngày hai mà có nhưng sẽ giúp con người không bị bất ngờ trước các thảm hoạ.

Về chuyến thăm chính thức Pháp, hai nước có quan hệ khá lâu đời, có những kết nối lịch sử, văn hoá, đã trải qua thử thách cho thấy  tính bền vững của quan hệ. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và thăm chính thức Pháp: Chuyến đi thể hiện trách nhiệm, uy tín, thực chất - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex. Ảnh: TTXVN.

Nhưng với Pháp ngoài khía cạnh song phương còn là quan hệ với EU. EU là một thực thể, một tổ chức vừa là siêu vừa là liên quốc gia. Muốn quan hệ tốt với EU thì cần phát triển quan hệ với từng quốc gia EU, mà hàng đầu là Đức và Pháp. Chuyến thăm của Thủ tướng nhấn mạnh lại quyết tâm của Việt Nam thúc đẩy quan hệ với từng quốc gia EU và EU nói chung, trong bối cảnh đã ký hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Đây là bước đi của ngoại giao Việt Nam  vừa có tính song phương vừa đa phương, sử dụng song phương để thúc đẩy đa phương, đa phương phát triển lại tác động lại song phương phát triển, rất biện chứng và gắn bó với nhau. Cùng với các khu vực như ASEAN chẳng hạn, chuyến đi cho thấy sự nhất quán trong chính sách, và cái mới trong ý tưởng hợp tác. 

Trong thời kỳ Covid-19 đầy khó khăn, ngoại giao Việt Nam vẫn bận rộn và rất đa dạng. Ông đánh giá ra sao về điều đó?

- Khi diễn ra một sự kiện quốc tế lớn như COP26, đến dự gần như có tất cả các nước, trong đó gần 100 đoàn cấp cao từ quốc vương, nguyên thủ, thủ tướng. Đây là diễn đàn để ta thực hiện chính sách đối ngoại cả về đa phương và song phương. Chúng ta đã chuẩn bị về nhân sự, tổ chức, những nội dung quan trọng, đặc biệt có tư duy mới về đối ngoại. Đó là việc không câu nệ lễ tân, Thủ tướng gặp các lãnh đạo các nước trong những phút trước khi hội nghị chính diễn ra, không nhất thiết phải vào phòng riêng. 

Góc độ lễ tân giảm, nhưng sự thực chất lại tăng. Chỉ vài phút là có thể trao đổi các vấn đề quan tâm nhất, ví dụ với Tổng thống John Biden thì chưa có cuộc gặp trực tiếp nào giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo mới của Mỹ, thì đây là dịp để gặp nhau. Tất nhiên việc hội đàm trực tuyến trong thời kỳ này rất phát triển nhưng không thể bỏ qua gặp trực tiếp. Nhìn các hoạt động ngoại giao trong khuôn khổ COP26 có thể thấy sự đa dạng, phong phú hiệu quả. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự COP26 và thăm chính thức Pháp: Chuyến đi thể hiện trách nhiệm, uy tín, thực chất - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Tổng thống Mỹ John Biden bên lề COP26. Ảnh: TTXVN.

Thế giới bây giờ phụ thuộc lẫn nhau. Kể cả nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, không nước nào làm được mọi câu chuyện. Đặc trưng của thế giới bây giờ là sự phụ thuộc lẫn nhau. Mỗi quốc gia phải phát huy được cái mạnh nhất, chủ động hợp tác để tạo hiệu ứng tích cực với quốc gia của mình. 

Đánh giá một nền kinh tế, người ta đo được tốc độ tăng trưởng của nền  kinh tế, nhưng còn đo được mức độ quan hệ thương mại của nước đó với thế giới, xem xét cả hiệu quả đầu tư của nước đó ra ngoài hay đầu tư của nước ngoài vào. 

Ngoại giao bây giờ cả về chính trị, văn hoá, kinh tế đều có đi có lại. Các nước đều muốn phát huy lợi ích so sánh của họ, và có khả năng mặc cả với nước khác. Lợi ích so sánh đó không bất di bất dịch với từng nước, với nước này thế này nhưng với nước khác lại khác. Ta đạt được kết quả ngoại giao vaccine như vậy vì các hình thức ngoại giao khác của ta tạo lợi thế cho ngoại giao vaccine. 

Ông quan sát như thế nào về những nỗ lực "ngoại giao vaccine" của Thủ tướng trong chuyến thăm lần này?

- Nhân dự Hội nghị cấp cao, Thủ tướng đã tiếp tục một sáng kiến thiết thực là ngoại giao vaccine. Đó là một thuật ngữ mới trong ngoại giao, nhưng trong quan hệ quốc tế đã có "ngoại giao dầu mỏ", "ngoại giao đô la", "ngoại giao văn hoá"…  Ngoại giao vaccine thể hiện: Thứ nhất, Việt Nam quyết tâm trong phòng chống đại dịch Covid với cách tiếp cận mới là sử dụng vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, đánh dấu một bước thay đổi chiến lược quan trọng. Thứ hai, điều đó  thể hiện sự gắn kết của Việt Nam với cộng đồng thế giới. Thứ ba, ngoại giao vaccine thể hiện uy tín, quan hệ của Việt Nam với các tập đoàn vaccine và quỹ Covax.

Qua số lượng vaccine nhận được thì thấy rõ uy tín của Việt Nam những năm qua, cho thấy chính sách phát triển, chính sách đối ngoại của Việt Nam đi đúng hướng, Việt Nam đã góp phần giải quyết công việc quốc tế. Vì uy tín và đóng góp của Việt Nam với cộng đồng thế giới nên các tổ chức quốc tế và các nước sẵn sàng giúp Việt Nam.

Tôi nghĩ ngoại giao vaccine không chỉ dừng ở viện trợ vaccine, mà xa hơn là sự hợp về y tế, sản xuất vaccine, chuyển giao công nghệ không chỉ sản xuất ra vaccine Covid-19 mà cả vaccine các bệnh khác. Qua ngoại giao vaccine, chúng ta  rút ra bài học và dự báo không chỉ cho các ngành dịch tễ học, y tế mà cả về ứng xử trong quan hệ quốc tế. Mọi vấn đề xảy ra đều có tác động toàn cầu và cần có sự hợp tác để cùng giải quyết. 

COP26 là diễn đàn để ta thực hiện chính sách đối ngoại cả về đa phương và song phương. Chúng ta đã chuẩn bị về nhân sự, tổ chức, những nội dung quan trọng, đặc biệt có tư duy mới về đối ngoại. Đó là việc không câu nệ lễ tân, Thủ tướng gặp các lãnh đạo các nước trong những phút trước khi hội nghị chính diễn ra, không nhất thiết phải vào phòng riêng. Góc độ lễ tân giảm, nhưng sự thực chất lại tăng. Chỉ vài phút là có thể trao đổi các vấn đề quan tâm nhất.

(Tiến sĩ, Đại sứ Dương Văn Quảng).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem