Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao chủ động đi trước mở đường cho sự phát triển, bảo vệ đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao chủ động đi trước mở đường cho sự phát triển, bảo vệ đất nước
V.N
Thứ ba, ngày 10/01/2023 19:48 PM (GMT+7)
Thủ tướng chỉ đạo ngành ngoại giao tìm cơ hội mới, thị trường mới, lĩnh vực mới; tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển; chuyển hoá mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng năm 2022 qua đi, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngoại giao có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Có niềm vinh dự, tự hào; có sự tâm tư, lo lắng xen lẫn nuối tiếc, trăn trở; có niềm tin và kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển của ngành ngoại giao, triển khai nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.
Các hoạt động đối ngoại đều rất thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Ngành ngoại giao luôn nỗ lực đấu tranh vì lợi ích quốc gia dân tộc, phụng sự Tổ quốc, các nỗ lực đối ngoại, đúng địa bàn, đúng vấn đề, chọn đúng đột phá – Thủ tướng nói.
Năm 2022, hòa cùng những thành tựu chung của đất nước, hoạt động đối ngoại đã được đẩy mạnh toàn diện với tất cả các nước lớn và hầu hết các đối tác chủ chốt, thể hiện qua gần 70 hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có 14 chuyến thăm đến 17 nước; tham dự 5 hội nghị quốc tế đa phương; hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới; tiếp đón 19 đoàn lãnh đạo cấp cao các nước đến thăm Việt Nam.
Thủ tướng nhắc tới 2 điểm nhấn đối ngoại của năm 2022: Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – một chuyến đi quan trọng cả với hai nước, đem lại những hiệu quả thiết thực. Điểm nhấn thứ hai là việc thể hiện quan điểm của Việt Nam về vấn đề Ukraine đến giờ vẫn rất phù hợp, các nước lớn cũng chia sẻ với Việt Nam. Qua những lần bỏ phiếu ở Hội đồng nhân quyền, UNESCO, bầu Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Việt Nam đều đạt được số phiếu cao, thể hiện uy tín của đất nước.
Thủ tướng biểu dương những điểm sáng khác như ngoại giao vaccine thiết thực, hiệu quả; quyết tâm thúc đẩy đàm phán biên giới với một số nước và kết thúc sau thời gian dài; công tác người Việt ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, kinh tế.
Thủ tướng nhắc lại phương châm của ngành ngoại giao là bản lĩnh, linh hoạt, chủ động thích ứng kịp thời, hiệu quả. Bộ Ngoại giao cũng đã rất đoàn kết, các thế hệ gắn bó với nhau.
Nhưng bên cạnh đó cũng có những tâm tư, lo lắng, trăn trở. Thủ tướng nhắn nhủ ngành ngoại giao hãy cố gắng vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự nghiệp chung; các cán bộ ngoại giao ở xa nhà luôn đoàn kết, yêu thương, vị tha, công khai minh bạch.
Bắt kịp xu thế mới
Về những nhiệm vụ ngoại giao năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh việc ngành ngoại giao cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, triển khai có trọng tâm, trọng điểm đường lối đối ngoại bằng những nhiệm vụ cụ thể.
Chú trọng phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại: Chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ "từ sớm", "từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động bất ngờ; dám nghĩ, dám làm, bắt kịp với xu thế mới; không ngừng đổi mới, sáng tạo, tìm ra những tiềm năng mới, nguồn lực mới cho phát triển.
Ngoại giao cũng cầnnắm chắc, đánh giá đúng bản chất tình hình, đúng đối tượng và đối tác, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, không để bị động về chiến lược; giữ gìn môi trường hòa bình và huy động tối đa ngoại lực để phát triển đất nước. Cần tăng cường vai trò tiên phong, tai mắt của ngành ngoại giao, nhất là hệ thống 94 cơ quan đại diện phải thực sự là những cây "ăng - ten" nhạy bén, tin cậy cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy tìm những cơ hội mới, thị trường mới, lĩnh vực mới; tranh thủ tối đa những cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển; chuyển hoá mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp của Việt Nam với các quốc gia, đối tác trở thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; nỗ lực đưa nền kinh tế vào vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ cụ thể như thúc đẩy thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, gỡ thẻ vàng IUU…
Thủ tướng nhấn mạnh cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực với quan điểm con người là yếu tố quyết định, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thạo về ngoại ngữ, hiệu quả trong công tác, luôn đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết, với chính sách đãi ngộ phù hợp – Thủ tướng nói.
Nhiều thành tựu lớn
Tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương đã ghi nhận những thành tựu của ngành ngoại giao trong năm 2022 và đề xuất nhiều biện pháp để tăng cường phối hợp, "đi cùng nhau" để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, thành tựu lớn nhất của ngoại giao Việt Nam trong năm 2022 là củng cố hòa bình, ổn định với các nước láng giềng có chung biên giới, tăng cường tin cậy, củng cố hợp tác; xử lý quan hệ với các nước lớn, thúc đẩy lợi ích phát triển của Việt Nam; phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.
Ông Lê Hoài Trung cho biết, năm qua Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có 37 hoạt động đối ngoại, gồm chuyến thăm Trung Quốc, các cuộc tiếp xúc, điện đàm…
Về công tác đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, năm qua đã có 120 đoàn ra, 60 đoàn vào Việt Nam. Nổi bật là Triển lãm Quốc phòng quốc tế, trong đó Việt Nam ký kết một loạt văn kiện hợp tác để đa dạng hóa nguồn cung thiết bị vũ khí quốc phòng
Bộ Quốc phòng cũng đã tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng với cả 3 nước có biên giới liền kề; Trung Quốc mặc dù thực hiện chính sách zero Covid nhưng đã chủ động giao lưu. Việc giao lưu quốc phòng được thực hiện cả với không quân, trên bộ, trên biển, trong đó có 6 nước liên quan đến biển với Việt Nam. Thượng tướng nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh ngoại giao bảo vệ độc lập chủ quyền, kiên trì chính sách quốc phòng 4 không, đa dạng hóa quan hệ quốc phòng an ninh để bảo vệ đất nước.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên lên 700 tỉ USD. Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào vài đối tác cụ thể, cải thiện vị trí trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Về quan hệ với một số quốc gia quan trọng, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho rằng, lâu nay Việt Nam và Lào ưu tiên quan hệ chính trị, an ninh quốc phòng nhưng chưa đủ, hợp tác kinh tế hiệu quả cần sớm trở thành trụ cột của hợp tác hai nước. Đại sứ đề nghị triển khai vốn cho một số dự án quan trọng giữa hai nước như dự án đường sắt.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đề nghị cần khẩn trương nối lại các chuyến bay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh để thúc đẩy du lịch hai bên; mở rộng hợp tác địa phương, nhất là khu vực phía bắc. Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam cần tận dụng và liên kết với chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đa dạng hóa hàng hóa để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.