Thủ tướng: Sẽ xử nghiêm đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động

Anh Thơ - Nguyễn Chương Thứ ba, ngày 10/12/2019 12:08 PM (GMT+7)
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân sáng 10/12 tại TP.Cần Thơ sau khi nông dân Lý Thị Nga (Cao Bằng) đặt câu hỏi về tình trạng nhiều doanh nghiệp lừa đảo nông dân đi xuất khẩu lao động, khiến nông dân tiền mất tật mang, thậm chí dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vụ 39 người Việt tử vong ở Anh.
Bình luận 0

 Cụ thể, bà Lý Thị Nga, ở tổ Xuân Đại, TT Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, Cao Bằng nêu câu hỏi với Thủ tướng: Hiện nay có không ít con em nông dân ở vùng sâu, vùng xa muốn được học nghề nhưng gặp nhiều khó khăn do không có địa điểm học nghề tại địa phương, học xa phải ở trọ. Vậy Chính phủ có kế hoạch gì, chính sách gì để đưa việc dạy nghề về tận địa phương cho các cháu được đi học nghề nhiều hơn không?

Nhiều họ hàng tôi đã lên thành phố làm lao động tư do, kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi các cháu ăn học. Nhưng lao động di cư lên thành phố sống khổ lắm, điều kiện sống chật chội, đi làm nhiều rủi ro, tai nạn nghề nghiệp, các cháu lên học hành cũng khó khăn tìm trường, điện nước thì giá cao.

img

Thủ tướng trực tiếp trả lời các câu hỏi của nông dân tại hội nghị đối thoại.

Hiện cũng có tình trạng nhiều công ty xuất khẩu lao động, đường dây môi giới xuất khẩu về tận các vùng nông thôn để lừa đảo, thu tiền của người dân đi lao động chui, mà sự việc 39 người bị thiệt mạng tại Anh vừa qua là một vụ việc rất đau lòng. Chúng tôi rất mong Thủ tướng chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng tổ chức điều tra, triệt phá các đường dây lừa đảo này?.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã cấp phép cho nhiều lao động có hợp đồng ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc... với 130.000 người làm việc ở nước ngoài.

Hiện nay, các DN xuất khẩu lao động chấp hành tương đối tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tâm lý của người dân muốn làm sao đi thật nhanh, thiếu thông tin để lừa đảo.

Để tránh lừa đảo, người dân có thể tham khảo thông tin chính xác trên website của Bộ LĐTBXH. Tránh mất số tiền lớn mà vẫn không được lao động một cách hợp pháp.

img

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh trả lời câu hỏi.

Nhằm tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là vùng ĐBSCL, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng “Đề án chuyển đổi nghề và đào tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020.

Theo đó, tập trung đào tạo chuyển đổi nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông nghiệp cho các tỉnh vùng ĐBSCL. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thu hút cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp.

Về câu hỏi của nông dân Lý Thị Nga xung quanh việc nhiều nông dân bị lừa đảo đi xuất khẩu lao động, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những đối tượng sai phạm, không để nông dân bị cuốn vào vòng xoáy lừa đảo của những đối tượng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem