Thủ tướng: “Tôi nhận nhiều tin nhắn nói chuyên viên nhũng nhiễu lắm”

P.V Thứ hai, ngày 23/12/2019 15:36 PM (GMT+7)
“Tôi ngồi đây nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải quan tâm, kiểm soát vấn đề này. Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền dùng quyền lực mềm hù doạ DN khi họ có sai sót", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng và Chính phủ luôn quan tâm tới cộng đồng doanh nghiệp.

Liên tục trong nhiều năm, Chính phủ đã mở nhiều hội nghị và có nhiều cải cách đổi mới. Vậy nên, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu liên tiếp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn để tạo sự phát triển bình đẳng, công khai, minh bạch.

“Cơ quan thương mại của Liên Hiệp Quốc nói rằng xuất khẩu của Việt Nam trước đây chưa bằng một phần châu Phi, còn nay cả châu Phi không bằng Việt Nam. Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia đầu tiên thu hút đầu tư thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Dẫn chứng những câu chuyện được chứng kiến trong chuyến công tác Myanmar, Thủ tướng cho biết, cả nước Myanmar chỉ có 50% điện lưới quốc gia tới được với các thôn, xã. Còn ở Việt Nam, gần 99,8% điện lưới đã phủ tới cấp xã. Về xuất nhập khẩu, nước bạn có gần 55 triệu dân nhưng xuất khẩu chỉ có 30 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 517 tỷ USD, riêng xuất siêu gần 10 tỷ USD.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ mức 60 – 70% trước đổi mới xuống còn 1,45%. Vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, dân tộc thiểu số đều được đặc biệt quan tâm.

“Doanh nghiệp muốn phát triển được thì người dân phải có thu nhập để tiêu thụ hàng hoá, nếu tập trung vào một số người thì không thể phát triển được đâu”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bày tỏ sự vui mừng trước nhiều ý kiến xây dựng, quan tâm tới sự phát triẻn doanh nghiệp. Thủ tướng cho biết, các cơ quan tư pháp, toà án, cơ quan điều tra đều nêu quan điểm: Không hình sự hoá quan hệ hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng nếu xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.

img

Thủ tướng tham quan trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt. (Ảnh VGP/Quang Hiếu).

Đối với mục tiêu tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay đã có hơn 800.000 doanh nghiệp. Bước sang năm mới, phải phấn đấu thêm 17% nữa mới đủ số lượng đề ra. Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số ở Việt Nam còn thấp. Ở Việt Nam là 1/120, ASEAN là 1/90, các nước phát triển là 1/10.

“Bên cạnh số lượng, chúng ta còn cần nâng quy mô và năng lực cạnh ranh của doanh nghiệp. Chúng ta mới có 7 cái tên trong nhóm 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD, nhưng chưa có doanh nghiệp nào lọt vào nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới”, Thủ tướng cho biết.

Để đạt được mục tiêu có những DN thực sự lớn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự cố gắng đơn lẻ của từng DN sẽ rất khó đạt được mục tiêu, nhưng nếu các DN hợp lực lại sẽ khác.

“Phải đoàn kết lại, hợp tác lại, phải có ngành hàng để cùng phát triển. Tôi tin thời gian tới sẽ có nhiều DN quy mô lớn ra đời ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.  

Về phía các Bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Đối với các địa phương, Thủ tướng tiếp tục dặn dò: “Trừ cứu hoả, thiên tai, việc giải quyết khó khăn cho DN phải nằm ở đầu cuốn sổ tay của lãnh đạo. Không thể thấy DN khó khăn trên địa bàn của mình mà không quan tâm. Đừng thờ ơ trong sự phát triển này”.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ, ngành có chính sách cởi mở hơn để DN thực sự đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước, tham gia vào các ngành nghề trước đây chỉ có Nhà nước tham gia. Ngoại trừ các lĩnh vực nhạy cảm như an ninh, quốc phòng, điều hành vĩ mô thì Nhà nước nắm giữa.

Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo: “Chúng ta phải thay đổi tư duy, không phải những gì Nhà nước không muốn làm thì đẩy cho tư nhân. Những gì tư nhân làm được nên ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển tốt”

Ngoài ra, cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào khâu còn yếu như xử lý mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, tiếp cận đất đai, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.

“Tôi ngồi đây nhiều tin nhắn nói cấp chuyên viên cũng nhũng nhiễu lắm, chậm trễ lắm, cứ đá qua đá lại hoài. Các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải quan tâm, kiểm soát vấn đề này. Chấm dứt ngay tình trạng nhân viên công quyền dùng quyền lực mềm hù doạ DN khi họ có sai sót. Điều này không chấp nhận được.

Phải đảm bảo rằng tất cả ý kiến của doanh nghiệp phải được lắng nghe, tôn trọng. Còn tiếp thu hay không phải thảo luận, phân tích. Các đồng chí phải giám sát vấn đề này.

Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại bỏ cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó cho sản xuất - kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực, trình độ kém, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của DN”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thủ tướng, chính quyền các địa phương phải đổi mới tư duy quản lý sao cho tương thích với mặt bằng, nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, không phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, giữa DN lớn và DN nhỏ, hộ kinh doanh.

“Tuyệt đối không tham lớn bỏ nhỏ”, Thủ tướng nói.

Một vấn đề khác được Thủ tướng nhắc tới là nhiều sở, ngành, địa phương thể hiện chậm trễ trong hồ sơ giấy tờ. Ở Trung ương, cũng có những Bộ, ngành chậm trễ hơn thời gian Thủ tướng yêu cầu.

Ở phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dặn dò cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao tinh thần đoàn kết, chủ động hợp tác, tương trợ nhau trên thương trường, hỗ trợ nhau khi khó khăn, cùng nhau vươn ra biển lớn.

“Cộng đồng DN phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc, đổi mới liên tục, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ. Luôn nghĩ tới chìa khoá công nghệ trong phát triển sản xuất, tận dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 và các hiệp định FTA”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, DN phải tuân thủ luật pháp, thực hành chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với người lao động, giữ gìn uy tín quốc gia.

“Giữ gìn uy tín quốc gia như giữ gìn da mặt mình vậy. Tôi thấy nhiều DN lớn không chú ý giữ gìn thương hiệu.

Chúng ta cần nói không với hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đóng góp vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia và đất nước.

DN Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng chống tham nhũng, không được đưa hối lộ. Kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra lời khuyên.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục duy trì, củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô. Việt Nam cần liên tục tăng trưởng cao, giữ tốc độ tăng trưởng này trong nhiều năm tới bởi đó là điều kiện tốt cho DN phát triển.

“Rà soát, xoá bỏ rào cản độc quyền, trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân kể cả đối với các dịch vụ công. Tuy nhiên, không làm thay, không bao cấp khiến DN ỷ lại.

Ngoài ra, cần tránh lạm dụng quyền lực công, đụng tới tài sản, lợi ích của DN. Mỗi đồng chí từ Trung ương tới địa phương phải lưu ý đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, không làm méo mó thị trường”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Theo Thủ tướng, nếu để một doanh nghiệp hay thương hiệu làm ăn chính đáng của Việt Nam biến mất, đó không chỉ là thất bại của riêng DN, mà còn có trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương và tất cả mọi người trong tiến trình cạnh tranh, hội nhập toàn cầu.

“Tôi tin rằng, những lời nói và hành động sẽ đi liền với nhau. Trước hết, chúng ta cố gắng khắc phục yếu kém, bất cập mà các thành phần DN phản ánh lên Chính phủ hôm nay. Đây cũng là trách nhiệm của các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, Bộ trưởng. Các đồng chí phải kiểm soát tốt hơn bộ máy của mình, bảo đảm công chức, viên chức ứng xử bình đẳng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Thủ tướng kết thúc bài phát biểu.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ soạn thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tháo gỡ các bất cập, tồn tại. Các thành viên Chính phủ sẽ cùng đóng góp ý kiến, làm tiền đề để các địa phương thực hiện, giúp DN yên tâm phát triển.

Ngoài ra, các Bộ, ngành địa phương cần xây dựng chương trình hành động, thực hiện cam kết cho giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối triển khai, trong đó tập trung vào hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng trung tâm triển lãm, thúc đẩy phát triển sản phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem