Thủ tướng và toàn bộ chính phủ Nga từ chức, Putin toan tính điều gì?

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ năm, ngày 16/01/2020 07:58 AM (GMT+7)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15.1 đề xuất thay đổi Hiến pháp và vài giờ sau Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng toàn bộ chính phủ từ chức.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Nga Medvedev và toàn bộ chính phủ đã từ chức để ông Putin thuận lợi trong việc đưa ra những thay đổi.

Theo SCMP, trong thông điệp liên bang ngày 15/1, ông Putin đề xuất trưng cầu dân ý để thay đổi hiến pháp Nga. Những sự thay đổi mà ông Putin đề xuất hướng đến giảm bớt quyền lực của Tổng thống, trao quyền nhiều hơn cho Thủ tướng và Quốc hội Nga.

Động thái gây chấn động trên được các chuyên gia xem như là bước “dọn đường” để ông Putin sau năm 2024 không còn là Tổng thống Nga.

Vài giờ sau, ông Putin đề cử Mikhail Mishustin, 53 tuổi, cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga, làm Thủ tướng. Ông Mishustin từng chơi khúc gôn cầu với ông Putin nhưng không có nhiều thông tin về tân Thủ tướng Nga.

Các chuyên gia nhận định, với những sự thay đổi trong bộ máy chính phủ Nga, ông Putin có thể quay trở lại làm Thủ tướng sau năm 2024 hoặc một vai trò mới như người đứng đầu Hội đồng nhà nước, một cơ quan mà ông Putin từng nói rất muốn xây dựng. Ông Putin cũng có thể đóng vai trò lớn hơn trong Quốc hội Nga.

Hiện chưa rõ khi nào người dân Nga tham gia bỏ phiếu thay đổi Hiến pháp và khi nào những điều khoản mới sẽ có hiệu lực. Nhưng ông Putin nói muốn  Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) có quyền chọn Thủ tướng và các vị trí cấp cao khác.

“Điều này làm tăng vai trò của Quốc hội, cũng như sự độc lập và trách nhiệm của Thủ tướng”, ông Putin nói.

img

Ông Putin đề cử Mikhail Mishustin, 53 tuổi, cục trưởng Cục Thuế Liên bang Nga, làm Thủ tướng.

Vài giờ sau bài phát biểu của ông Putin, Thủ tướng Nga Medvedev và toàn bộ nội các từ chức để ông Putin có khoảng trống xây dựng kế hoạch mới.

Ông Putin cảm ơn Medvedev vì những gì đã làm được, nhưng cũng nói rằng “không phải mọi thứ chính phủ Nga đều làm tốt”. Ông Putin đề xuất Medvedev làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và ông Medvedev đã đồng ý.

Đối với đại đa số người Nga, ông Putin có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Người Nga tin rằng ông Putin là cội nguồn của sự ổn định, dù có tỉ lệ nhất định bày tỏ quan ngại rằng ông Putin đã nắm quyền quá lâu.

Cuối cùng, Dmitri Trenin, người đứng đầu viện Carnegie ở Moscow, nhận định rằng Tổng thống Nga sau năm 2024 sẽ bị giới hạn quyền lực rất nhiều. “Sự nghiệp của Medvedev chưa chấm dứt, ông Putin vẫn cần ông ấy trong giai đoạn chuyển giao này. Ông ấy vẫn là đồng minh thân cận của ông Putin”.

Sau 20 năm cầm quyền, ông Putin đã thay đổi nước Nga như thế nào?

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nắm quyền ở Nga trong suốt 20 năm qua, để lại nhiều di sản quý giá cùng đường lối lãnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem