Thua lỗ triền miên, người nuôi gia cầm bất an vụ cuối năm

Thiên Hương - Khương Lực Thứ sáu, ngày 01/01/2021 13:12 PM (GMT+7)
Vào thời điểm này mọi năm, người nuôi gia cầm ở các địa phương đã tích cực đẩy mạnh vào đàn để tận dụng cơ hội dồi dào từ thị trường Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

Tuy nhiên hiện nay, giá gia cầm các loại vẫn đang ở mức thấp, nhất là giá vịt thịt xuống dưới giá thành trong thời gian dài khiến nhiều người thua lỗ triền miên, thậm chí nhiều chủ trang trại không dám tái đàn vì sợ gặp "bão giá".

Thua lỗ kéo dài vì giá gia cầm ở mức dưới giá thành, tiêu thụ chật vật 

Trao đổi với PV, ông Lê Thành Sự - Giám đốc HTX chăn nuôi Đỗ Sơn (Khu 5 Đỗ Sơn, xã Đỗ Sơn, Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc chăn nuôi gà lông màu của HTX bị thua lỗ nhiều. Với giá bán buôn gà gi lai, gà lai chọi và gà lai Hồ tại chuồng dao động từ 46.000-47.000 đồng/kg, các trại nuôi chỉ cầm hòa hoặc lỗ kéo dài từ đầu năm đến nay.

Người nuôi gia cầm bất an vụ cuối năm  - Ảnh 1.

Người chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ liên tục phải đối mặt với rủi ro, bấp bênh của thị trường. Ảnh: Hải Đăng

"Năm nay do giá thịt gà duy trì ở mức thấp thời gian dài nên hiện tại nhiều chuồng đã bán hết gà thịt, song bà con vẫn lưỡng lự vào đàn hoặc vào ít hơn. Điều này ít nhiều có tác động đến nguồn cung gà thịt sau Tết Nguyên đán, thêm vào đó, đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung xảy ra thời gian qua cũng làm giảm nguồn cung gà thịt cho sau Tết Nguyên đán".

Ông Nguyễn Như Phán

Đáng nói là trong bối cảnh đó, giá thức ăn chăn nuôi gà lại tăng cao, từ 800 đồng/kg đến 1.200 đồng/kg - khiến người chăn nuôi gà đã khó khăn lại chồng thêm khó khăn.

Lý giải về việc giá thức ăn tăng mạnh, đại diện một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới thời gian qua tăng, nguồn cung gặp hạn chế vì dịch Covid-19 nên bắt buộc họ phải tăng giá theo.

Theo ông Sự, từ chỗ thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 60.000 con, nay trại của ông đã thu hẹp xuống còn 35.000-40.000 con. Không chỉ riêng ông Sự, những bạn bè của ông nuôi gà trên địa bàn Phú Thọ đều có xu hướng giảm đàn gà từ 40-50%, cá biệt tại huyện Phù Ninh có hộ trước đây nuôi 5.000 con thì nay giảm đàn xuống còn 500-1.000 con.

Tương tự, tại "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai, từ năm ngoái đến nay hàng loạt hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề nuôi lợn chuyển hướng sang các mô hình chăn nuôi khác do bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, chủ yếu bà con chuyển sang nuôi vịt, gà ta thả vườn, gà công nghiệp, khiến sản lượng các mặt hàng này tăng nhanh.

Ông Nguyễn Hoàng Sự, chủ trại nuôi gà ta thả vườn tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) buồn rầu nói: "Tôi nuôi gà ta thả vườn mười mấy năm nay, chưa bao giờ thấy giá bán xuống thấp như vậy. Có thời điểm, giá gà rớt xuống chỉ còn hơn 20.000 đồng/kg. Lứa rồi, tôi bán 8.000 con gà ta thả vườn, lỗ 400-500 triệu đồng".

E ngại đầu tư vụ gà tết

Trong khi đó, trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Như Phán - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco nhận định, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng gà lông màu thường tăng cao, nhất là những giống gà có mào cờ để phù hợp với tập quán lễ tết, thờ cúng của bà con.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do bà con chăn nuôi bị thua lỗ kéo dài 2-3 lứa nên nhiều người không còn vốn để tái đàn, dẫn tới chuồng để trống rất nhiều. "Theo tôi, những ai có chuồng trống lúc này vào đàn có thể nắm bắt được cơ hội giá khá cao, bởi gà thịt có thể khan hiếm sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021" - ông Phán nói.

Đánh giá về thị trường gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: Năm 2020, chúng ta chứng kiến một nghịch lý trong lĩnh vực chăn nuôi. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã làm giảm mạnh nguồn cung thịt lợn, dẫn đến thiếu thịt lợn, đẩy giá thịt lợn đứng ở mức cao. 

Trong khi đó, giá gia cầm lại giảm do nguồn cung tăng nhanh. Thậm chí có địa phương, tốc độ tăng đàn lên tới 28 - 30%.

Ông Sơn cho biết, hiện nay, chúng ta bắt đầu khơi thông xuất khẩu, nhưng mới chỉ là bước đầu, sản lượng còn rất khiêm tốn. Do đó trong giai đoạn tới, chúng ta cần thay đổi về mục tiêu, chiến lược của ngành chăn nuôi nói chung và ngành gia cầm nói riêng. Trước đây chúng ta chăn nuôi để giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo thì nay chăn nuôi là để làm giàu.

Thứ hai, chúng ta cần thay đổi quy mô, phương thức từ các hộ nhỏ lẻ là chính, các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tiến lên thành các doanh nghiệp chăn nuôi vừa và lớn và các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.

Thứ ba, về cơ cấu sản phẩm, chúng ta chuyển từ phương thức tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi tươi sống sang thịt mát, đông lạnh, chế biến, thậm chí chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Thứ tư, thay đổi về thị trường, chăn nuôi cần hướng tới xuất khẩu. Trong bối cảnh nguồn cung gia cầm vượt cầu nội địa, chỉ có cách khơi thông xuất khẩu mới phát triển bền vững. Điều này cần có sự thay đổi về chiến lược, điều hành và quản lý. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem