Tay cầm cuốc, tay cầm kim
Lớp học này được mở cách đây 3 tháng ở xã Quảng Thọ với sự tài trợ của Dự án Lucxembourg do Sở NNPTNT huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) đứng ra tổ chức. Chị Phạm Thị Hà (40 tuổi), ngụ thôn Phò Nam (xã Quảng Thọ) - một học viên bộc bạch: “Nghề thêu là công việc khá nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian rỗi, chi phí nguyên liệu không cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Lúc đầu, tôi và các chị em cũng e dè không dám đăng ký học vì cứ nghĩ học thêu khó, mất thời gian. Được sự động viên của cán bộ xã, tôi đã tham gia lớp học và giờ thì thấy thêu cũng chẳng khó hơn so với làm ruộng là mấy".
|
Chị em chăm chú học nghề thêu tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền). |
Chị Hồ Thị Sương - Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) thì nhớ lại, ngay khi có thông báo tuyển học viên, rất đông chị em đến tham gia đăng ký. Hầu hết, đều mong muốn học được cái nghề, có công việc ổn định tạo thêm nguồn thu nhập để xây dựng, phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo được vị thế của mình trong xã hội.
Tới lớp học, chúng tôi nhận thấy hầu hết chị em làm nghề nông, tay quen cầm cuốc, cầm xẻng nay cầm trên tay cây kim, sợi chỉ để thêu từng mũi, từng nét hoa văn, họa tiết đối với họ quả thật không hề đơn giản. Nhưng với lòng quyết tâm, tinh thần ham học hỏi, các chị đã không quản ngại khó khăn để tham gia khóa học, thực hiện tốt các yêu cầu trong khung chương trình đào tạo dạy và học.
Là học viên lớn tuổi nhất lớp học, chị Trần Thị Thu Sang chia sẻ: “Những ngày đầu đi học, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng, cũng như thực hành, phần vì có tuổi nên khả năng ghi nhớ hạn chế, phần nữa lâu nay tay chân quen với công việc ruộng đồng nên giờ cầm kim thêu từng mũi rất cứng. Nhờ được sự tận tình hướng dẫn của giáo viên, từng bước tôi đã khắc phục được và quen dần với công việc”.
Lo chuyện tương lai
Sau khi mở lớp, để tạo thuận lợi cho chị em tham gia đầy đủ khoá học, lịch học và nội dung bài giảng đều được cán bộ đảm trách thu xếp phù hợp. Ông Phan Dũ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục cộng đồng huyện Quảng Điền cho biết: “Để tạo thuận lợi cho chị em tham gia lớp học, chúng tôi chia lịch học làm 2 ca, mỗi ca 25 thành viên, học từ thứ Hai đến thứ Bảy, buổi sáng từ 8 giờ – 11 giờ, buổi chiều từ 14 giờ - 17 giờ. Mỗi khóa học có thời gian đào tạo 6 tháng nên các chị em được học nghề rất kỹ, bài bản”.
“Việc mở các khóa học đào tạo nghề thêu sẽ giúp cho phụ nữ nông thôn ở Quảng Điền có được nghề, tạo nguồn thu nhập ổn định”.
Ông Phan Dũ
Ông Hoàng Công Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cũng chia sẻ, hiện nay, địa phương đã liên hệ với Công ty Xuất nhập khẩu đầu tư Thừa Thiên - Huế đề xuất giải pháp giải quyết việc làm cho chị em sau khi kết thúc khóa học. Theo đó, chị em có thể nhận sản phẩm về thêu tại trung tâm hoặc tại nhà. Đồng thời trong quá trình học tập và làm việc, chính quyền xã sẽ tạo mọi điều kiện để chị em phát huy lợi thế của mình. Tuy nhiên, ngay cả khi chính quyền xã năng động như vậy thì đầu ra của sản phẩm cũng vẫn phụ thuộc một đối tác duy nhất. Khi đối tác khó khăn thì coi như chị em cũng… mất nghề. Đó là nỗi lo lắng của không ít chị em hiện nay.
Vì vậy, việc mở rộng hơn nữa đầu ra bằng cách liên kết kiểu bạn hàng với các làng nghề thêu ren, các doanh nghiệp thêu ren mới là hướng đi để giữ nghề trong tương lai.
Vi Dân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.