Thừa Thiên - Huế: Mỗi đêm biển lấn đất liền 4-5m

AN SƠN Thứ ba, ngày 18/11/2014 07:16 AM (GMT+7)
Tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng đang uy hiếp tính mạng và tài sản của lượng lớn hộ dân ở Thừa Thiên - Huế, trong khi ngành chức năng địa phương chưa có giải pháp đối phó. 
Bình luận 0

Sống trong sợ hãi

Khoảng một tháng trở lại đây, hàng trăm hộ dân ở xã biển Quảng Công (huyện Quảng Điền) luôn sống trong lo sợ vì tình trạng sạt lở bờ biển diễn ra với tốc độ khủng khiếp. Tại thôn An Lộc, mặc dù chưa có mưa bão nhưng chỉ trong thời gian ngắn biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 10m, trải dài khoảng 1km. Hàng loạt cồn cát và những hàng dương chắn sóng ven biển đã bị sóng đánh tan.

imgBờ biển ở xã Quảng Công đang bị sạt lở với tốc độ khủng khiếp.     An Sơn. 

 

Ông Lê Ngọc Hạnh (thôn An Lộc) cho biết, chưa bao giờ ông chứng kiến bờ biển ở thôn sạt lở khủng khiếp như hiện nay. Nhiều khi chỉ trong một đêm biển ăn vào đất liền 4-5m, khiến người dân sợ hãi đến mất ăn mất ngủ. “Với đà này, chẳng bao lâu nữa hơn 50 hộ dân trong thôn sẽ bị cuốn trôi nhà cửa, mạng sống bị đe dọa”- ông Hạnh lo lắng.

Theo UBND xã Quảng Công, ngoài thôn An Lộc, sạt lở bờ biển cũng đang xảy ra với tốc độ khủng khiếp ở các thôn khác của xã như Tân Thành, Cương Gián và Hải Thành. Tình trạng này đang uy hiếp tính mạng và tài sản của 350 hộ dân, nhất là khi thời điểm mưa lũ đang cận kề. 3 tháng trở lại đây, hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân địa phương bị đình trệ bởi sạt lở làm bồi lấp luồng lạch, gây cản trở tàu thuyền ra vào.

Cũng như Quảng Công, hàng nghìn hộ dân ở nhiều địa phương ven biển khác ở Thừa Thiên - Huế như Vinh Hải, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Hải Dương (thị xã Hương Trà)… cũng đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Hàng trăm hộ dân ở các địa phương này đang hàng ngày sống trong vùng nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp.

Thiếu giải pháp hiệu quả

Ông Nguyễn Đính - Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: Do số tiền được hỗ trợ không đủ để xây nhà ở nên rất nhiều hộ dân ở xã bị uy hiếp bởi sạt lở bờ biển nằm trong diện được tái định cư đợt trước vẫn chưa đến nơi ở mới. Để đưa những hộ dân này cũng như lượng lớn hộ dân khác đang sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, xã rất cần sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của cấp trên.

Theo ông Đính, hiện ngoài việc di dời dân đến nơi an toàn, chính quyền địa phương chưa có cách nào ngăn chặn sạt lở bờ biển. Trong khi đó, các cơ quan cấp trên cũng chưa quan tâm hỗ trợ các phương án, giải pháp chống sạt lở trước mắt cũng như lâu dài cho xã. Còn ông Nguyễn Văn Chường - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, việc chống sạt lở bằng cách trồng dương liễu, xây kè bằng rọ đá của địa phương không phát huy tác dụng. Ông Chường mong cơ quan chức năng sớm hỗ trợ xã phương án chống sạt lở hiệu quả.

Ông Trần Đức Duy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Để xây dựng một hệ thống đê chống sạt lở không phải chuyện đơn giản, bởi ngoài phải có nguồn kinh phí lớn còn phải có sự nghiên cứu kỹ dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy, hướng gió… Thời tiết ở Thừa Thiên- Huế phức tạp nên việc xây dựng những công trình như thế này hết sức khó khăn.

  Theo Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh Thừa Thiên- Huế, đến thời điểm hiện tại, có 30km bờ biển trên địa bàn bị sạt lở nặng, khiến hàng nghìn hộ dân sống trong vùng nguy hiểm. Những năm qua, tỉnh đã đầu tư tái định cư cho trên 1.000 hộ dân, lượng lớn hộ dân còn lại tỉnh vẫn đang phải chờ Trung ương hỗ trợ để di dời.    


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem