Thừa Thiên - Huế: Nông thôn đổi thay mọi mặt

Thứ ba, ngày 17/12/2013 09:19 AM (GMT+7)
Sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với nhiều cách làm hay, nhiều nhân tố điển hình tiêu biểu, bộ mặt nông thôn của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã thay đổi mọi mặt.
Bình luận 0
Đột phá từ hạ tầng

Từ nguồn vốn trực tiếp xây dựng NTM của trung ương, năm 2011-2012, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã đầu tư 13.600 triệu đồng xây dựng 7 công trình tại các xã. Năm 2013, tỉnh đầu tư 10.120 triệu đồng bổ sung cho 4 công trình xây dựng trong năm 2012 và xây mới 2 công trình khác.

Cùng với nguồn vốn trung ương, từ năm 2010, tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư 771.900 triệu đồng xây dựng 3 khu tái định cư, 52 công trình thuỷ lợi, 303 công trình giao thông, 2 nhà văn hoá thôn, 30 trường học và các công trình phụ trợ, 14 nhà văn hoá, công trình y tế, trụ sở HĐND- UBND xã và công trình điện cấp xã.

Cao su là cây kinh tế chủ lực trong xây dựng NTM ở xã Hương Hòa (Nam Đông).
Cao su là cây kinh tế chủ lực trong xây dựng NTM ở xã Hương Hòa (Nam Đông).

Theo báo cáo của 7 huyện, thị xã trên địa bàn (trừ huyện Phong Điền), các địa phương này đã đầu tư thực hiện các hạng mục thuộc chương trình NTM là 98,960 tỷ đồng. Công tác huy động nguồn lực do dân đóng góp đạt được hiệu quả cao. Tại nhiều địa phương, nhân dân đã hiến hàng ngàn m2 đất, đóng góp hàng tỷ đồng để xây dựng đường thôn, đường ngõ xóm, nhà văn hoá, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa... Vốn do dân đóng góp bằng tiền và hoa màu, tài sản ở các địa phương này lên đến 125.900 triệu đồng, trên 12.500 ngày công lao động và 92.000m2 đất.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM tỉnh, trong thời gian tới, nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư cho 28 xã. Trong đó, sẽ ưu tiên cho xã đạt nhiều tiêu chí có khả năng về đích sớm của các huyện điểm; ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, giáo dục, y tế, dân sinh trước... Ban chỉ đạo cũng chú trọng việc huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hạ tầng...

Phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm


Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, việc phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM ở Thừa Thiên- Huế. Trong 2 năm 2011 và 2012, tỉnh đã bố trí 4.700 tỷ đồng ngân sách trung ương đầu tư cho 47 xã, xây được 55 mô hình phát triển kinh tế (28 mô hình trồng trọt, 21 mô hình chăn nuôi và 6 mô hình thủy sản).

Một số mô hình đưa lại hiệu quả kinh tế cao và có thể nhân rộng như: Mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp với các vật nuôi khác và trồng lúa; mô hình nuôi lợn nái F1, lợn thịt ở xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc)... Năm 2013, tỉnh bố trí 3.140 triệu đồng đầu tư cho 28 xã điểm và xã Thuỷ Tân (thị xã Hương Thủy) để thực hiện 4 cánh đồng mẫu lớn, 31 mô hình trồng trọt, 18 mô hình chăn nuôi, 8 mô hình thuỷ sản và hỗ trợ phát triển 2 làng nghề, 1 cơ sở chế biến mủ cao su...

Mục tiêu mà Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên- Huế đề ra là phấn đấu đến năm 2015 có 28/92 xã được quy hoạch xây dựng NTM của tỉnh đạt chuẩn về NTM (chiếm 30%) và đến năm 2020 có 56/92 xã đạt chuẩn (chiếm 60%). Con số này cao hơn 10% so với mức bình quân chung của cả nước, nhưng với những cách làm hay của tỉnh chắc chắn mục tiêu đề ra sẽ thành hiện thực.

Bên cạnh đó, tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hoá, đầu tư hỗ trợ sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của địa phương để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Mỗi thôn, bản, xã xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Việc lựa chọn các mô hình để đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện theo phương châm: Chọn mô hình có khả năng nhân rộng, sản phẩm dễ tiêu thụ, nhất là mô hình khai thác được thế mạnh của địa phương...

Tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề để người dân có thể tham gia sản xuất các nghề mới có thu nhập; đào tạo nông dân làm nông nghiệp theo chương trình khuyến nông; triển khai nhanh công tác dạy nghề cho nông dân, trước hết là dạy nghề đáp ứng cho đề án phát triển sản xuất đã được phê duyệt. Cùng với sự đầu tư và triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, các cơ quan ban ngành ở tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung sức xây dựng NTM và tự biết vươn lên làm giàu. Phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM” được các địa phương thực hiện tốt, đưa lại những kết quả quan trọng.

4 xã sắp cán đích

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự kiến đến hết năm 2013, có 4 xã ở tỉnh đạt chuẩn NTM trước hạn. Đó là các xã Hương Giang, Hương Hòa (huyện Nam Đông), Quảng Phú (huyện Quảng Điền) và Phong Hải (huyện Phong Điền). Tính đến nay, các xã Hương Giang và Hương Hòa đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM, còn các xã Quảng Phú và Phong Hải đã đạt 18/19 tiêu chí.

Từ năm 2011 đến 2013, tổng số vốn huy động xây dựng NTM của tỉnh Thừa Thiên- Huế là 768.383 triệu đồng. Trong đó, vốn được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng là 736.650 triệu đồng, vốn đầu tư phát triển sản xuất là 7.840 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết, sau một thời gian thực hiện các tiêu chí NTM, diện mạo của xã đã thay đổi mọi mặt. Từ một xã miền núi khó khăn, đến nay các tuyến đường ở Hương Hòa đều đã được xây dựng khang trang, nước sạch, điện lưới đến tận thôn xóm, bản làng, từng hộ gia đình... Đời sống của người dân địa phương cũng ngày càng đi lên nhờ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế hiệu quả. “Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã bình quân mỗi năm chỉ còn khoảng 1,58%, số hộ khá và giàu chiếm hơn 50%” - ông Thành phấn khởi.

Ông Trương Vang - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, xác định nguồn lực là một trong những yếu tố quan trọng của quá trình xây dựng NTM, nên hơn 2 năm qua xã đã huy động 38,449 tỷ đồng thực hiện chương trình này. Trong đó, ngân sách của xã, nhân dân và các nguồn huy động khác tại địa phương là 14,268 tỷ đồng, chiếm hơn 1/3 tổng mức đầu tư của toàn bộ chương trình.

Mô hình nuôi tôm trên cát ở xã Phong Hải đưa lại hiệu quả kinh tế cao,  góp phần quan trọng vào việc xây dựng NTM ở xã này.
Mô hình nuôi tôm trên cát ở xã Phong Hải đưa lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc xây dựng NTM ở xã này.

Theo ông Vang, kinh nghiệm xây dựng NTM ở Quảng Phú là phải phát huy vai trò của người dân. Nhờ tuyên truyền, vận động tốt nên người dân đã tự nguyện hiến 2.462m2 đất làm đường giao thông, chưa kể lượng lớn diện tích đất người dân đã hiến để mở rộng đường làng, ngõ xóm. Tuyến đường liên thôn dài hơn 2km chạy qua thôn Phú Lễ của xã hoàn toàn do người dân hiến đất mở đường, giúp Nhà nước tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng tiền đền bù. Ngoài ra, người dân trên địa bàn cũng tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm.

“Xây dựng NTM là một quá trình nên việc thực hiện các tiêu chí được địa phương chọn làm điểm từng nội dung để rút kinh nghiệm và nhân rộng. Cách làm này vừa phát huy được lợi thế của xã vừa mang lại thành quả vững chắc”- ông Vang chia sẻ.
An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem