Thừa Thiên- Huế: Ổ dịch tả lợn châu Phi bắt nguồn ở đâu?

Trần Hòe Thứ ba, ngày 19/03/2019 11:20 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng ở Thừa Thiên- Huế rất bất ngờ khi ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn tại xã miền núi của huyện Phong Điền.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên lan đến Thừa Thiên- Huế, sáng nay (19.3), trao đổi với PV Dân Việt, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh đang điều tra làm rõ nguyên nhân phát sinh ổ dịch.

Theo ông Hùng, ông và lãnh đạo các cơ quan chức năng địa phương rất bất ngờ khi ổ dịch tả lợn châu Phi được phát hiện trên đàn lợn ở xã Phong Sơn. Nguyên nhân bởi Phong Sơn là xã miền núi, nằm cách tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn huyện đến 15km, trong khi các địa phương nằm dọc quốc lộ chưa xuất hiện dịch.

img

Lực lượng chức năng xử lý đàn lợn  mắc dịch tả lợn châu Phi ở xã Phong Sơn. Ảnh: Công Bằng. 

Mặt khác, kết quả điều tra ổ dịch cũng cho thấy rất khó xác định dịch đã lây lan từ đâu: Hộ dân có lợn mắc dịch chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp cho lợn chứ không sử dụng thức ăn dư thừa, nước rác từ các nhà hàng; khu chăn nuôi của hộ này nằm tách biệt; trước khi đàn lợn mắc dịch chủ hộ không sử dụng thịt lợn làm thực phẩm…

Ông Hùng cho hay, trên địa bàn thôn Hiền An, xã Phong Sơn có khu du lịch Thanh Tân hàng ngày thu hút khá đông du khách. Vì vậy, theo ông, rất có thể nguồn dịch tả lợn châu Phi đã lây theo đường du khách.

Sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Phong Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương đã đi kiểm tra, chỉ đạo dập dịch.

Tại địa phương xảy ra dịch, ông Phương nói, ngoài việc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh, việc phát hiện sớm ổ dịch để khoanh vùng, dập dịch là công tác quan trọng bậc nhất.  Ông Phương mong muốn người dân và các doanh nghiệp nuôi lợn có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình.

Đặc biệt, ông Phương yêu cầu phải thực hiện đúng cam kết 5 không trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm: Không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Như tin đã đưa, trước đó, có 3 con lợn nái của vợ chồng ông Tạ Hồng Uẩn và bà Hà Thị Hồng ở thôn Hiền An, xã Phong Sơn bị chết với những triệu chứng mắc dịch tả lợn châu Phi. 

Nhận được thông tin, lực lượng của tỉnh Thừa Thiên- Huế và huyện Phong Điền phối hợp với Cơ quan Thú y vùng III đến khu vực xảy ra lợn chết để lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm lợn dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 3 con lợn nái bị chết cùng 2 con lợn nái còn sống của gia đình ông Uẩn. 

Lực lượng chức năng của huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên- Huế đã sử dụng 80 lít hóa chất và 2 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng tại thôn Hiền An và các khu vực lân cận nhằm tránh tình trạng dịch lây lan. Việc thành lập các chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông xung quanh ổ dịch cũng đã được các cơ quan liên quan tiến hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem