Đã là trận thứ hai, lại trước một đối thủ được xem là yếu nhất bảng – Albania, nhưng “Gà trống” Pháp vẫn loay hoay, bế tắc, hỗn loạn khiến người hâm mộ suốt 90 phút âu lo, khắc khoải, hồi hộp. Nhưng rồi, lại là những cá nhân đã cứu đội bóng khỏi trận hòa tẻ nhạt, giúp khán giả đi hết những cung bậc cảm xúc thất vọng để rồi vỡ òa trong niềm hân hoan chiến thắng. Trận này, người đó là cầu thủ đang khoác áo đội Á quân Champions League (chuyển đến từ năm 2014 với mức phí 30 triệu euro), tiền đạo sinh năm 1991, Antoine Griezmann. Khoảnh khắc vào cuối trận ấy thật đáng nhớ, bởi Griezmann không to cao, nhưng đã chọn đúng vị trí và bật lên lắc đầu thành bàn đầy tinh thế, khiến người “nhốt” anh trên băng ghế dự bị suốt gần 70 phút đầu trận bật cười mở nút chai nước, hất lên trời như thể đội nhà đã được “giải hạn”. Chắc chắn, D. Deschamps có lý do trong việc dùng người, khi để niềm hy vọng của đội bóng không ra sân từ đầu. Bởi tiền đạo có phong độ cực tốt trong suốt mùa giải vừa qua đã chơi tệ hại ở trận khai mạc. Anh cần có thời gian để bớt “sốc” trước áp lực trên sân nhà ăm ắp khán giả, ầm ào cổ vũ. Anh cần cảm thấy bị “tổn thương”, cần nhận ra rằng, việc được ra sân không phải nhờ… cái tên. Anh cần bị nén lại, như chiếc lò xo, rồi bung ra…
Cú lắc đầu của cứu tinh đội tuyển Pháp - Antoine Griezmann
Và anh đã làm được. Đã khai thông bế tắc cho đội nhà vào đúng phút cuối cùng, giúp đội nhà có chiến thắng chung cuộc 2-0, với bàn ấn định của chân chuyền, cầu thủ sút phạt hay nhất đội tuyển, người hùng ở trận khai mạc, Dimitri Payet.
Có một điều đáng chú ý, ở trận thắng nghẹt thở trước Romania, chính Griezmann đã bị thay ra, đúng ở phút 66, sau màn trình diễn kém cỏi. Băng ghế dự bị, mất suất ở đội hình chính trong thế trận Pháp vẫn bế tắc, niềm kiêu hãnh bị tổn thương đã khiến “báu vật” của Atletico Madrid tỏa sáng…
Không chỉ trong bóng đá, việc dùng người đã trở thành một nghệ thuật – nghệ thuật quản lý, lãnh đạo. Người lãnh đạo giỏi có thể không giỏi chuyên môn, nhưng họ giỏi nhìn nhận, phát hiện, sử dụng những con người trong tập thể ấy. Từ việc trao cơ hội cho những người có vẻ ít tiềm năng, để “đánh thức” sự cạnh tranh, làm “tổn thương” những người được xem là “ngôi sao”, dựa trên trình độ, năng lực, phong độ; đến việc sử dụng con người đúng lúc, đúng chỗ sẽ tạo được hiệu quả tích cực. Bởi trong một tập thể, ai cũng có thể làm tốt, thậm chí tốt hơn nhiều khả năng của mình, nếu được tin dùng, được nhìn nhận đúng mực, công bằng, khách quan. Và nhiều khi, bởi những sự cạnh tranh sòng phẳng, những sự “khích tướng” đầy nghệ thuật…
Cổ nhân đã đúc kết “Dụng nhân như dụng mộc”, với ý dễ hiểu là việc dùng người cũng như những người thợ mộc biết cách sử dụng gỗ, bởi mỗi loại gỗ đều có những tác dụng khác nhau, nếu như người thợ biết sử dụng đúng mục đích, đặt vào đúng chỗ của nó…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.