Thức ăn chăn nuôi: Thừa gạo, thiếu ngô đậu, phụ thuộc 60% nhập khẩu

Đình Thắng Thứ tư, ngày 15/08/2018 09:30 AM (GMT+7)
Trong khi một số loại nông sản đang thừa mứa như lúa gạo, trái cây…, thì lại thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) như đậu tương, ngô… nên mỗi năm nước ta phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu…
Bình luận 0

Nhập khẩu lớn, rủi ro cao

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, Việt Nam đứng thứ 7 trong tổng số 20 quốc gia sản xuất TACN lớn nhất thế giới và đứng thứ 3 ASEAN. Tuy nhiên, mỗi năm chúng ta phải chi khoảng 3 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu.

img

Ngành chăn nuôi phụ thuộc lớn vào thức ăn nhập khẩu nên giá trị không cao, người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi. Ảnh: T.L

"Công tác quản lý ở cơ sở dường như bị bỏ ngỏ, địa phương kiểm tra dựa vào cảm quan, chưa thường xuyên lấy mẫu để phân tích chất lượng, nên vẫn tạo kẽ hở cho cửa hàng kinh doanh TACN nhỏ lẻ trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc bán cho nông dân với giá rẻ”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn

Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu TACN và nguyên liệu trong tháng 6.2018 đạt 372 triệu USD, tăng 12,96% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm 2018 Việt Nam đã chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu TACN và nguyên liệu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017, chủ yếu vào nhóm hàng đậu tương, ngô, lúa mì, sắn - các sản phẩm từ sắn... Nhu cầu nhập khẩu TACN dự báo còn gia tăng, theo Bộ Công Thương, khả năng có thể lên tới 3,8 - 3,9 tỷ USD vào cuối năm nay.

Nguyên nhân, theo lý giải của ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: “Vì trong nước chỉ mới tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp. Hiện nay, toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất TACN; đậu nành hạt nhập về ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Chúng ta chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì. Một số vùng sản xuất TACN không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TACN cho DN”.

Vì phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu, nên giá TACN "đội" lên 15 - 20% so với các nước trong khu vực, khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi TACN chiếm 60-70% chi phí sản xuất và giá thành.

Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, ngành chăn nuôi hiện nay phụ thuộc lớn vào thức ăn nhập khẩu nên giá trị không cao, người chăn nuôi chỉ lấy công làm lãi, phần lợi nhuận gần như rơi vào tay các DN nhập khẩu và chế biến TACN, chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Quản lý chất lượng lỏng lẻo

Trong khi đó, công tác quản lý TACN đang tồn tại nhiều bất cập. Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng cơ quan chức năng chưa nắm rõ được sản lượng sản xuất TACN hằng năm của DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà chỉ ước lượng dựa trên năng lực của các nhà máy đã đăng ký số lượng với cơ quan quản lý nhà nước. Vì thế nên có trường hợp DN kinh doanh hóa chất nhập khẩu các loại khoáng chỉ được dùng trong công nghiệp, nhưng sau đó bán cả cho các nhà máy sản xuất TACN.

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng phải tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm. “Cần có các biện pháp quản lý ngay từ khâu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các chất phụ gia. Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền để các DN, hộ sản xuất, kinh doanh TACN và người dân nâng cao ý thức, nói không với chất cấm; không ham rẻ, không sử dụng các loại cám kém chất lượng để làm TACN” – ông Lịch cho biết thêm.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), ngành công nghiệp TACN đã vượt quy hoạch. Trong quy hoạch của Bộ NNPTNT, đến năm 2020 công suất các nhà máy TACN công nghiệp đạt khoảng 25 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 17 triệu tấn nhưng đến năm 2017 đã đạt công suất 31 triệu tấn, sản lượng khoảng 21 triệu tấn. Chính vì vậy, cần hạn chế xây dựng, mở mới các nhà máy TACN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem