|
Chất lượng thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. |
Chiều 28.4, Ths Đào Tố Quyên - Trưởng khoa Nghiên cứu thực phẩm dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), trao đổi với NTNN xung quanh thông tin thức ăn cho trẻ mầm non ở Hà Nội bị nhiễm độc chì.
Thạc sĩ Đào Tố Quyên, chủ nhiệm nghiên cứu đề tài “Kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng về khẩu phần ăn cho trẻ ở Hà Nội” cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi về khẩu phần ăn của trẻ từ 24- 36 tháng tuổi chỉ là một báo cáo khoa học. Việc nghiên cứu cũng chỉ được lấy mẫu và thử nghiệm ở phạm vi rất nhỏ do không đủ kinh phí để thí nghiệm ở diện bao quát. Ở đây chỉ có 1 vài mẫu thực phẩm trước khi sơ chế có nhiễm chì, kết quả nghiên cứu chỉ mang tính chất cảnh báo cho các nhà khoa học để hy vọng có điều kiện nghiên cứu sâu hơn”.
Theo bà Quyên, nếu lấy nghiên cứu rất nhỏ này để kết luận việc thức ăn của trẻ ở Hà Nội nhiễm độc chì là không đủ căn cứ.
Trước đó, theo thông tin một số báo: “Viện Dinh dưỡng quốc gia đã điều tra khẩu phần ăn của trẻ 24 – 36 tháng tuổi tại 4 quận nội thành Hà Nội (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng). Trong nhóm tuổi này, có 12 loại thực phẩm được sử dụng thường xuyên là gạo, sữa, cam, thịt lợn nạc, trứng gà, thịt gà, thịt bò, tôm rảo và rau muống…
Trên địa bàn Hà Nội có hàng trăm trường mầm non công lập và dân lập, nên nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh đều mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc để có những kết luận cuối cùng về vấn đề này.
Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt lợn (5/8 mẫu nhiễm chì), sau đó đến gạo (5/12 mẫu). Tôm rảo, cam và quýt có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì. Về chỉ tiêu kim loại nặng Cadimi, thực phẩm vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế nhiều nhất là gạo (3/12 mẫu), thịt lợn 2/8 mẫu, thịt bò 2/4 mẫu”.
Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Kiều Diễm - Hiệu trưởng Trường Mầm non A (Ba Đình, Hà Nội) bức xúc: “Tôi khẳng định nghiên cứu như công bố nào đó là không hề lấy mẫu ở trường tôi. Hiện toàn bộ quy trình chế biến thức ăn cho trẻ, các khẩu phần dinh dưỡng đều đảm bảo ATVSTP theo quy định”.
Khi được hỏi về vấn đề thực phẩm cho trẻ, chị Nguyễn Thị Thu - mẹ của bé Nguyễn Thị Hằng ở số nhà 6a ngõ 603 đường Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng đọc báo thấy có thông tin thức ăn của trẻ nhiễm chì mà hoang mang quá, chẳng biết thực hư chuyện này như thế nào. Giả sử nếu có chì mắt thường cũng không thể nhận biết được”.
Trao đổi với NTNN, PGS. TS Phạm Duy Tường - Phó Viện trưởng Viện Y học dự phòng và y tế công cộng, Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm (Trường Đại học y Hà Nội) cho biết, nếu bị ngộ độc chì sẽ rất có hại cho sức khoẻ nhưng còn tuỳ thuộc vào mức độ vượt quá giới hạn cho phép là bao nhiêu. Thời gian đầu khi bị nhiễm nhẹ sẽ không có biểu hiện gì, nhưng lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể, nhất là các cơ quan tiêu hoá”.
Theo ông Tường, để biết được chì có trong các thức ăn chắc chắn phải sử dụng công nghệ để thử nghiệm, mắt thường không thể nhận biết được.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.