Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ
Về quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), Bộ GDĐT tạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chỉ tiêu số sinh viên (SV) trên 1 vạn dân từ 450 xuống 400 SV/1 vạn dân vào năm 2020. Chỉ tiêu quy mô SV ngoài công lập từ 40% xuống 30% vào năm 2020.
Bộ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phê duyệt quy hoạch đất đai cho các khu ĐH tập trung ở vùng Thủ đô, vùng TP. Hồ Chí Minh và các vùng kinh tế trọng điểm để triển khai xây dựng cấc trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo chất lượng cao.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu |
Để đảm bảo theo tiêu chuẩn 65m2 đất/1 SV vào năm 2020 (tương ứng với quy mô 3,9 triệu SV), diện tích đất cần có 25.350 ha. Các tỉnh, thành phố căn cứ quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch mạng lưới của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn để xác định nhu cầu về đất đai và hỗ trợ các trường ĐH, CĐ bảo đảm quỹ đất theo quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trường ĐH, CĐ tư thục tại các địa bàn có điều kiện để cùng nhà nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, khai khoáng, hóa chất, hàng hải…
Bộ GDĐT và Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện báo cáo quy hoạch mạng lưới theo hướng chi tiết hơn, chậm nhất 20/6 trình Thủ tướng Chính phủ. Trong tháng 7.2011, các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh sẽ ký duyệt ban hành quy hoạch nhân lực cho ngành mình, đồng thời làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ mạng lưới những cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành mình.
Tính toán thêm kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi 2 TP lớn
Về kế hoạch di dời các trường ĐH, CĐ ra ngoài nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng kiến nghị không nên giữ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn nội đô, đặc biệt là những trường có quỹ đất quá nhỏ (dưới 2ha).
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga nêu rõ, từ năm 2011 sẽ không tiếp nhận hồ sơ thành lập mới hoặc nâng cấp cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trong nội thành TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông Bùi Văn Ga cũng nhấn mạnh yêu cầu giảm mật độ SV trong nội thành Hà Nội giảm từ 478.856 SV năm 2011 xuống còn khoảng 150.000 SV vào năm 2030.
Đối với TP. Hồ Chí Minh giảm mật độ SV đại học từ 516.544 năm 2011 xuống còn khoảng 170.000 SV vào năm 2030. Cần giảm 2/3 tổng số sinh viên ĐH, CĐ đang học ở các sở đào tạo trong nội thành hiện nay.
Theo tính toán của Bộ GDĐT và của 2 thành phố, sẽ có ít nhất 40 trường phải di dời trong giai đoạn 2011-2015; trước mắt mỗi thành phố sẽ thí điểm di dời 5 trường với nhu cầu vốn khoảng 600 triệu USD (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2015-2020 mỗi thành phố sẽ di dời tiếp khoảng 10 đến 15 trường, nhu cầu vốn tương ứng từ 1,2 đến 1,8 tỷ USD (chưa tính các chi phí giải phóng mặt bằng). Giai đoạn 2020-2030 sẽ di dời các trường còn lại.
Hà Nội sẽ cần tối thiểu khoảng 3.500 ha, TP. Hồ Chí Minh cần 1.750 ha cho việc di dời các trường ĐH, CĐ.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng giao Bộ GDĐT tiếp tục bàn bạc với UBND TP Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tiến độ di dời, nhưng không nên kéo dài tới 2030 mà chậm nhất chỉ đến năm 2025. Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc giữ lại các trường đại học lớn có truyền thống lịch sử với kiến trúc đẹp trong nội đô của 2 thành phố. Trước 10.7, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng thuộc thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến và quyết tâm của Bộ Công an trong việc di dời các trường trực thuộc ngành.
Theo Chinhphu.vn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.