Thực hư chuyện "đẩy nhà văn Trung Trung Đỉnh về hưu sớm"

Thứ ba, ngày 16/08/2016 17:46 PM (GMT+7)
Trưởng Ban tổ chức - hội viên Hội Nhà văn cho biết việc Trung Trung Đỉnh đến tuổi về hưu là bình thường.
Bình luận 0

Vụ việc nhà văn Trung Trung Đỉnh (tên thật là Phạm Trung Đỉnh) từ chối thực hiện quyết định bàn giao vị trí Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn trước khi về hưu gây xôn xao những ngày qua. Theo nhà văn, ông sẵn sàng tinh thần về hưu từ lâu nhưng cảm thấy bị tổn thương trước thái độ của những người giao quyết định gấp gáp, không rõ lý do.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết ông nhận quyết định từ ông Trần Đăng Khoa hôm 26/7. Tờ quyết định ghi ông phải "nghỉ quản lý để bàn giao cho ông Trần Quang Quý (Phó Giám đốc nhà xuất bản) phụ trách từ ngày 1/8 và hưởng chế độ hưu trí từ 1/10".

img

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Tác giả Ngõ lỗ thủng bức xúc trước sự cấp tốc của quyết định. Theo ông, quyết định yêu cầu ông phải bàn giao công việc trong vòng năm ngày mà trước đó không hề có bàn bạc nào. "Tôi cảm thấy ngạc nhiên và phải hỏi lại xem mình có bị kỷ luật chuyện gì không mà quyết định gấp gáp thế", ông nói.

Nhà văn cho biết năm nay ông 67 tuổi. Đáng lý ông phải về hưu khi 60 tuổi nhưng do trúng cử Ban chấp hành Hội Nhà văn nên theo quy định, ông ở lại làm thêm 5 năm. Ông trượt Ban chấp hành năm ngoái và đã sẵn sàng cho việc về hưu, thậm chí đã viết thư ngỏ đề xuất việc tìm người mới thay thế vị trí giám đốc. "Tôi không tham quyền cố vị, nhưng làm gì cũng phải minh bạch. Quan trọng là tôi nhận thấy thái độ của họ coi thường tôi quá. Nếu tôn trọng nhau thì trước hết phải gặp gỡ, gọi tôi lên nói chuyện, họp với ban giám đốc và cấp ủy cơ quan chúng tôi trước, rồi mới trao quyết định thì vui vẻ biết bao", nhà văn Trung Trung Đỉnh nói.

Trước lùm xùm, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban tổ chức - hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng đây chỉ là việc cỏn con.

"Đến tuổi thì về hưu thôi. Ai rồi cũng thế cả. Tuổi hưu theo luật công chức và quy định của Nhà nước là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ. Quân đội còn nghỉ sớm hơn. Hội Nhà văn là hội nghề nghiệp, có sự du di, ban chấp hành quyết định tăng thêm thành X+2. Nghĩa là nam 62, nữ 57. Cũng chỉ Hội Nhà văn mới có lệ này. Đây là cái tình của anh em. Cái tình thay cái lý. Tính theo quy định Nhà nước hay X+2 thì anh Đỉnh cũng đều quá tuổi. Mà quá rất nhiều. Thế thì phải nghỉ rồi. Không thể khác được".

Trần Đăng Khoa phủ nhận việc bàn giao quyết định đột ngột. Nhà thơ cho rằng quyết định ghi "bàn giao bắt đầu từ 1/8" chứ không phải trước ngày 1/8. Theo ông, từ lúc đó cho tới ngày chính thức nghỉ hưu là 1/10 có đến hai tháng. "Mà việc bàn giao cũng có gì đâu mà khó khăn thế". Theo Trần Đăng Khoa, trước đó sáu tháng, theo quy định của luật công chức, ông với danh nghĩa trưởng ban tổ chức đã thông báo việc về hưu của ông Đỉnh. Văn bản này còn lưu ở ban tổ chức hội viên, ông Khoa cho biết.

Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, sau khi ông phản ứng, Ban chấp hành Hội Nhà văn lại gửi một quyết định khác. Văn bản ghi ông bàn giao công việc cho ban giám đốc nhà xuất bản, dưới sự chứng kiến của trưởng ban tổ chức hội viên là Trần Đăng Khoa từ ngày 1 đến 31/8.

Lý giải về hai tờ quyết định, ông Trần Đăng Khoa cho rằng văn bản thứ nhất chỉ là thông báo nhắc việc dành chung cho ba người gồm: ông Đỉnh bàn giao từ 1/8, đến 1/10 nhận sổ hưu và nghỉ chính thức, bà Thư (một nhân viên khác) nghỉ từ 1/10, ông Quý tiếp nhận bàn giao. "Văn bản sau của riêng từng người mới là quyết định chính thức. Và như thế, quyết định này mới có giá trị để bảo hiểm xã hội làm lương và các chế độ đối với một công chức về hưu. Ai biết công việc hành chính cũng sẽ hiểu ngay là như thế, chứ không phải sửa đổi quyết định".

Dù vậy, nhà văn Trung Trung Đỉnh vẫn cho rằng hai tờ quyết định với nội dung khác nhau mà ông nhận được đều dành cho riêng ông.

img

Nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Ngoài bức xúc vì chuyện ngày tháng, nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng không đồng ý bàn giao công việc cho nhà thơ Trần Quang Quý.

Theo ông Đỉnh, chưa hề có quyết định nào từ Ban chấp hành Hội Nhà văn cho biết nhà thơ Trần Quang  Quý - vốn đang đảm nhận vị trí Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn - sẽ thay thế hay nhận công việc từ ông. "Phải có quyết định riêng về trách nhiệm và vai trò cụ thể của người nhận bàn giao, ví dụ là Quyền Giám đốc hay là Phó Giám đốc phụ trách rõ ràng thì tôi mới bàn giao được chứ. Không bàn giao vu vơ, đơn giản thế được. Công việc của cả một nhà xuất bản chứ không phải chuyện gia đình".

Cũng theo nhà văn, đằng sau việc này có chuyện khác. "Họ muốn sớm đưa ai lên, nhưng đưa lên thì cũng phải có quy trình cho đàng hoàng sáng sủa. Tôi thấy trong việc này cả tôi và anh Quý đều bị coi thường".

Về điểm này, nhà thơ Trần Đăng Khoa lý giải việc giám đốc nghỉ hưu giao việc cho cấp phó là hoàn toàn bình thường.

"Ông Đỉnh nghỉ thì ban giám đốc giờ chỉ còn hai người - ông Quý là người phụ trách chuyên môn, bà Hằng là kế toán trưởng. Một nhà xuất bản chuyên môn thì phải bàn giao cho ông Quý chứ ai bàn giao cho kế toán". Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ông Trần Quang Quý đến tháng 2/2017 mới 62 tuổi, nghĩa là lúc ấy ông ấy mới đủ X+2. Với tư cách phó giám đốc, từ đây tới lúc đó Trần Quang Quý hoàn toàn có thể tiếp nhận công việc do Trung Trung Đỉnh bàn giao.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng khẳng định không có chuyện ban chấp hành gấp gáp đưa Trần Quang Quý lên làm giám đốc vì "không ai đề bạt một người sắp sửa về hưu, thực chất đã quá tuổi hưu theo luật công chức, mà phải tìm một người trẻ hơn, ít nhất cũng phải làm được một nhiệm kỳ 5 năm. Muốn đề bạt, phải qua Bộ Văn hóa, Cục Xuất bản chứ không phải ban chấp hành cứ tuỳ tiện muốn đưa ai lên cũng được".

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định không gây khó khăn cho nhà văn Trung Trung Đỉnh. "Tôi thấy không có gì gây khó dễ cho Trung Trung Đỉnh hết. Cả ban chấp hành đều quý trọng anh Đỉnh. Tôi luôn coi nhà văn như ông anh của mình.

Cứ về nghỉ đi rồi có thể thì làm hợp đồng. Tôi còn mời anh Đỉnh sang làm cổng điện tử Hội Nhà văn với tôi chứ có vấn đề gì đâu. Trừ ban chấp hành là do đại hội bầu, còn các cơ quan cấp hai của hội rất cần được trẻ hoá. Chả lẽ hơn một nghìn hội viên không có người nào đảm trách được ư? Cần mở rộng cửa cho anh em. Và biết đâu, chúng ta sẽ tìm được những người trẻ, vừa giỏi viết văn, vừa tài quản lý để đảm trách công việc của hội".

Hiện nhà văn Trung Trung Đỉnh đã chấp nhận quyết định của ban chấp hành và thu xếp giấy tờ tài liệu để sẵn sàng chờ ngày bàn giao. Tuy nhiên, ông cho biết vẫn chưa hài lòng về thái độ, cung cách ứng xử của ban chấp hành. Ông chia sẻ: "Đáng lý về hưu là việc đáng vui mừng thì tôi lại gặp phải chuyện phiền toái khiến bản thân cảm thấy bị tổn thương, nhiều bạn bên ngoài không hiểu đã nghĩ sai khiến tôi không thoải mái. Nhưng mà thôi, tôi đang nghĩ đến những chuyến đi sắp tới về Tây Nguyên với bà con anh chị em bạn bè của tôi ở trên đó, chả bận tâm làm gì".

Nhà văn Trung Trung Đỉnh sinh ngày 21/9/1949 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đảm nhận vị trí Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ 2008 đến nay. Trung Trung Đỉnh là tác giả của những cuốn sách về đề tài chiến tranh và hậu chiến nổi tiếng như: Lạc rừng, Lính trận, Ngõ lỗ thủng, Sống khó hơn là chết, Tiễn biệt những ngày buồn... Tác phẩm Lính trận từng giành giải thưởng "Văn học Đông Nam Á năm 2012".

Di Ca (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem