Thực hư thông tin mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng

Thế Anh Thứ sáu, ngày 24/12/2021 18:00 PM (GMT+7)
Đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện tại TP.Hà Nội đang tiến hành nâng cấp, bảo trì tuyến đường dẫn lên cầu Thăng Long, đây là việc làm theo định kỳ của TP.Hà Nội.
Bình luận 0

Những ngày qua, dư luận xôn xao xung quanh thông tin mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng đang được các đơn vị thi công sửa chữa thảm lại mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông. 

Trao đổi với PV Dân Việt để làm rõ những thông tin này, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Thông tin mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng là không đúng".

Thực hư thông tin mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng - Ảnh 1.

Hình ảnh đường dẫn lên cầu Thăng Long khi chưa bảo trì thời điểm giữa năm 2021. Ảnh: CTV

Vị đại diện này cho biết: "Hiện nay, TP.Hà Nội đang tiến hành nâng cấp, bảo trì tuyến đường dẫn lên cầu. Đây là việc làm theo định kỳ của TP.Hà Nội, các đơn vị thi công có cào bóc mặt đường dẫn lên để thảm lại, đảm bảo an toàn giao thông".

Cũng theo đại diện Bộ GTVT: "Cầu Thăng Long, TP.Hà Nội có nhiều đơn vị quản lý như: Tổng công ty Đường sắt quản lý toàn bộ kết cầu cầu; Tổng cục Đường bộ quản lý mặt cầu; TP.Hà Nội quản lý đường dẫn và đường đi bộ ở cầu Thăng Long... Việc TP.Hà Nội đang bảo trì đoạn đường dẫn là việc làm thường xuyên".

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được khởi công xây dựng vào ngày 26/11/1974 và hoàn thành vào tháng 9/5/1985. Cầu vượt sông dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành năm liên dầm liên tục, mỗi liên có độ dài 112m/nhịp.

Cầu gồm hai tầng dùng chung cho đường sắt và đường bộ. Sau hơn 35 năm đưa vào khai thác, trải qua hai lần sửa chữa (2009 và 2013), mặt cầu Thăng Long đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông của người và phương tiện lưu thông qua cây cầu này.

Thực hư thông tin mặt cầu Thăng Long bị hư hỏng - Ảnh 2.

Cầu Thăng Long (TP.Hà Nội) thời điểm đơn vị thi công đang tiến hành sửa chữa giữa năm 2021. Ảnh: Thế Anh

Sau 5 tháng nâng cấp sửa chữa, ngày 7/1/2021, cầu Thăng Long chính thức thông xe đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông. Dự án sửa chữa cầu Thăng Long có giải pháp kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng công nghệ Việt do các kỹ sư, chuyên gia hàng đầu của ngành GTVT trên quy mô và khối lượng lớn.

Trong quá trình sửa chữa, các nhà thầu đã làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu Thăng Long; hàn 1,4 triệu đinh neo bằng thép lên bản mặt thép của cầu; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bêtông siêu tính năng (UHPC); quét keo dính bám và thảm 27.200m2 bêtông nhựa polyme lên trên cùng.

Mặt cầu Thăng Long được Bộ GTVT đánh giá sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bêtông siêu tính năng tối thiểu 30 năm, và lớp phủ bêtông nhựa polyme là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).

Trước đó, tại buổi lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đó đánh giá, dự án sửa chữa cầu Thăng Long là dự án đặc biệt quan trọng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần giảm ùn tắc cho tuyến giao thông huyết mạch kết nối thủ đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía bắc cũng như toàn tuyến Vành đai 3 của thành phố.

Phó Thủ tướng đã ghi nhận và biểu dương Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các chuyên gia, cố vấn, các đơn vị thi công, cán bộ, kỹ sư và các công nhân lao động trên công trường đã nỗ lực triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và an toàn theo yêu cầu đề ra.




 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem