Thức thời, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công sống khỏe
Một làng nghề xuất khẩu tủ thờ sang Âu Mỹ
Trần Cửu Long
Thứ bảy, ngày 31/08/2024 09:57 AM (GMT+7)
Trong khi một số làng nghề ở TP.HCM ngày một teo tóp, thậm chí cáo chung, thì Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công sống khỏe (Tiền Giang) sống khỏe, thậm chí xuất khẩu tủ thờ sang Âu Mỹ. Chung quy cũng do… thức thời.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công vẫn liên tục phát triển nhờ kế thừa tinh hoa từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân làng nghề, cũng như thích nghi xu thế thời cuộc.
Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công thức thời
Theo nhiều người ở Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công, làng nghề này hình thành và phát triển hơn 100 năm qua. Năm 2003, tỉnh Tiền Giang đã công nhận làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Đủ (ấp Ông Non, xã Tân Trung, Tx.Gò Công) cho biết, theo thời gian, tủ thờ Gò Công đã được thay đổi mẫu mã, chi tiết hoa văn để phù hợp với nhu cầu thị trường.
"Công nghệ đóng tủ thờ ngày càng tiến bộ, từ chiếc tủ có 3 trụ đứng, đến nay chiếc tủ có đến 19, 21 trụ với bề mặt cẩn trai, ốc xà cừ", ông Đủ chia sẻ.
Và ngày nay, sản phẩm của làng nghề không chỉ tủ thờ, mà còn có đồ trang trí nội thất, tranh, khay trà, bàn ghế, hộp gỗ… với chất liệu gỗ bằng lăng, căm xe, cẩm lai… được khảm xà cừ lạ mắt và độc đáo.
Theo anh Nguyễn Đạt (Chủ Cơ sở Nguyễn Đạt, Tx.Gò Công), trước đây, nhân công làm tủ thờ chủ yếu người trong gia đình và làm thủ công. Mỗi người làm một tủ thờ mất cả tháng.
Giờ đây, nhiều công đoạn làm sản phẩm của làng nghề đã được cơ giới hóa. Hiện, anh Đạt đã đầu tư 2 máy chạm gỗ và 1 máy lazer trị giá hơn 500 triệu đồng.
Cơ sở của anh Đạt có 2 xưởng sản xuất: Một xưởng chuyên khảm xà cừ bằng thiết bị công nghệ hiện đại và một xưởng chuyên sản xuất các sản phẩm mộc thô và lắp ráp...
"Từ khi đầu tư máy móc, đơn hàng của cơ sở được hoàn thành nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, tạo uy tín tốt hơn", anh Đạt thổ lộ.
Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công xuất khẩu sản phẩm
Xã Tân Trung có 7 ấp đều phát triển mạnh nghề truyền thống này với gần 500 cơ sở. Riêng ấp Ông Non có hơn 90% hộ dân làm nghề nghề mộc này.
Hiện, Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công làm ăn ngày càng phát đạt. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
"Mỗi sản phẩm tủ thờ của làng nghề có trị giá hơn tỷ đồng là bình thường. Những mặt hàng giá trị cao này được nhiều khách hàng đặt đóng để chuyển đi nước ngoài", anh Đạt cho hay.
Sản phẩm của Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công đã vinh dự nhận Huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ – Hà Nội năm 1984. Đặc biệt, tủ thờ Gò Công đã được bài trí rực rỡ và trang nghiêm tại đền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Hà Nội và tại quê Người ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo UBND Tx.Gò Công, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trung bình mỗi tháng Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Côngđã cung ứng ra thị trường hơn 1.100 sản phẩm giá trị hơn 22 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 10 - 15 triệu đồng/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.