Làng nghề nón ngựa Phú Gia hơn 300 năm tuổi ở vùng nông thôn Bình Định

Dũ Tuấn - Dũng Nhân Chủ nhật, ngày 25/08/2024 12:42 PM (GMT+7)
Làng nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia, tọa lạc ở làng Phú Gia, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), có tuổi đời hơn 300 năm. Loại nón ngựa Phú Gia có từ thời vua Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Bình luận 0
Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 1.

Dưới những rặng tre già ở vùng nông thôn xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định), nhiều phụ nữ tại làng nghề nón ngựa Phú Gia vẫn đang miệt mài, với công việc sản xuất nón truyền thống, đã qua hơn 300 năm. Đây là nghề thủ công, được truyền qua nhiều thế hệ. Theo các nghệ nhân lão thành, ngày xưa nón ngựa chỉ dành cho vua quan đội. Đặc biệt vào thời vua Quang Trung, nón ngựa đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.

Trải qua nhiều thăng trầm, nón ngựa Phú Gia vẫn là kiệt tác của nón lá, bởi tính giá trị mỹ thuật cao, là sản phẩm đặc trưng của văn hóa trang phục người dân làng nghề Bình Định.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 2.

Một cái nón lúc hoàn chỉnh phải trải qua 10 bước: tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn, lợp lá chằm chỉ… Trung bình một người làm xong cái nón phải mất từ hơn tháng. Nón này làm bằng cây giang (từ Phú Yên) để tăng độ dẻo dai, chứ không làm bằng tre.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 3.

Hiện nay, làng nón ngựa Phú Gia chỉ còn vài hộ gia đình, tự làm hết các công đoạn để hoàn thiện chiếc nón ngựa. Các hộ dân còn lại chỉ nhận gia công theo từng công đoạn để hình thành nên chiếc nón ngựa. Để có chiếc nón ngựa Phú Gia, đòi hỏi sự dày công và tỉ mẩn. Nón phải được kết bằng những vành từ cây giang, cây lồ ô... chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn và vành nón.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 4.

Tiếp theo người thợ phải vuốt thẳng lá kè non (lá cọ) được mang từ trên núi về. Theo những người làm nghề ở làng Phú Gia, đây là công đoạn khó và cực nhất trong 10 công đoạn làm nón ngựa Phú Gia. Muốn vuốt thẳng lá kè non, người thợ làng nón phải dùng một bọc vải chứa cát bên trong, xòe lá kè trên miếng gang nóng rồi vuốt nhẹ để “ủi” cho lá trắng, thẳng, láng, đều. Từng lớp lá sẽ được lợp lên sườn nón, từng đường kim mũi chỉ sẽ khâu lại cho chắc, cho căng và phẳng.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 5.

Lá kè sẽ được gộp lại một đầu thành từng phần. Mỗi nón được lợp từ 18 - 19 phần lá gộp. Nón ngựa có 12 vành là loại nón nhỏ, loại ngày xưa làm cho nghĩa quân Tây Sơn. Ngày nay người ta chuộng loại nón lớn 16 vành, có độ che phủ lớn. Điểm đặc trưng của nón ngựa là được khâu bằng những mũi chỉ tàu (loại chỉ được lấy từ các sợi gân của vỏ cây trên núi) trắng muốt, đều đặn. Mê sườn được thêu hoa văn bởi những sợi chỉ ngũ sắc.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 6.

Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 7.

Bà Nguyễn Thị Tâm (73 tuổi, ở làng Phú Gia) cho hay, bà đã theo nghề này từ nhỏ. Nghề này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian nhưng thu nhập thấp, nên nhiều người đã bỏ nghề. "Chúng tôi rất vui, vì làng nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tôi rất mong Nhà nước quan tâm để giữ gìn, phát triển nghề này vì đó là công sức của cha ông ta để lại", bà Tâm nói.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 8.

Nón ngựa Phú Gia có các mức giá khác nhau. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/chiếc. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn, trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng thì có giá khoảng 2,5 triệu đồng/chiếc.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 9.

Đôi bàn tay người phụ nữ cầm kim chằm nón phải dùng lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm, rút kim liên tục, ê ẩm nặng nhọc. Qua năm tháng vất vả vì công việc, bàn tay cũng chẳng thể giữ sự mềm mại vốn có.

Làng cổ đẹp như phim ở Bình Định, cả làng hơn 300 năm qua vẫn làm nón ngựa từ thời Quang Trung- Ảnh 10.

Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, để quảng bá hình ảnh, xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm nón ngựa Phú Gia. Qua đó, để người dân cả nước cũng như du khách nước ngoài biết đến loại nón ngựa đặc biệt này.

Người dân Bình Định rất tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa Phú Gia

Theo ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định, trong các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định được đưa vào danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, làng nón ngựa Phú Gia chiếm một vị trí khá quan trọng.

Từ lâu, người dân Bình Định rất tự hào về hình ảnh chiếc nón ngựa, nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc. Xét trên bình diện lịch sử, từ thời hoàng đế Quang Trung, nón đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, chiếc nón không chỉ dùng để đội đầu che mưa, che nắng mà còn là món hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, là hình ảnh chiếc nón ngựa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống người Bình Định.

Nghề thủ công truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia, là tài nguyên văn hóa giàu tính nhân văn, có ý nghĩa nền tảng để phát triển du lịch làng nghề của Bình Định.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem