Thung lũng chết ở Kim Hỉ

Thứ năm, ngày 15/09/2011 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong cơn say vàng, các đại gia khai khoáng đưa máy xúc xới tung bờ bãi, ruộng lúa hay cả một thung lũng lớn. Khi vàng hết cũng là lúc các đại gia phủi tay ra về để lại cho người dân những thung lũng chết.
Bình luận 0

Na Rì, Bắc Kạn là một trong những địa bàn có trữ lượng vàng lớn của cả nước. Thống kê của các ngành chức năng ở Bắc Kạn cho thấy, dưới lòng đất Na Rì có khoảng 5,7 tấn vàng. Từ lâu, Na Rì là nơi tụ hội, đất làm giàu của những công ty khai khoáng. Và vì thế, đây cũng là địa bàn đất đai bị tàn phá dữ dội nhất ở Bắc Kạn trong những năm qua…

img
Người dân bản Kim Vân và những gì còn lại sau khi mỏ vàng Tốc Lù ngừng hoạt động.

Vào “thung lũng chết”

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là bãi vàng Tốc Lù thuộc bản Kim Vân, xã Kim Hỉ, huyện Na Rì. Từ Quốc lộ 279 qua huyện Na Rì, chúng tôi ngược lên một con đường đá hiểm trở. Đường dốc ngược; nhiều khi, lốp xe máy quay khét lẹt trên các tảng đá mà xe vẫn không chịu dịch chuyển. Có chỗ xe lao dốc, đường lầy, bùn ngập nửa bánh xe. Chặng đường dài hơn 10km để vào đến mỏ vàng đều hiểm trở như thế.

Nhưng con đường này chưa đủ để ngăn cản sức hấp dẫn kỳ quái đến từ những hạt, những vẩy, những vụn vàng ở phía trước. Từ năm 2005, một doanh nghiệp khai khoáng có cái tên mang nhiều niềm hy vọng là Tấn Thành đã kỳ công đưa những chiếc máy xúc nặng hàng chục tấn, những máy móc đồ sộ vào mỏ vàng Tốc Lù này.

Trong ký ức của người dân Kim Vân, Tốc Lù trước là một thung lũng rộng khoảng 10ha, đất đai bằng phẳng, phì nhiêu, ở giữa có con suối nhỏ chảy quanh co. Khi Công ty Tấn Thành vào đây, ban ngày thung lũng ầm ầm bởi tiếng máy xúc, tiếng giàn tuyển vàng vang lên dồn dập. Ban đêm, đèn trong những lán trại, trên những chiếc máy xúc vẫn sáng trưng, công nhân hì hục đào bới, sàng tuyển khiến mỏ vàng trông như cái thị trấn sầm uất lọt thỏm giữa vùng núi đồi hoang vu.

Trước khi vào đây, một cán bộ của UBND huyện Na Rì nói với chúng tôi: Tốc Lù giờ trông như một bãi chiến trường B52 nhưng đến khi có mặt, chúng tôi không ngờ nó lại ngổn ngang, tơi bời như vậy. Khắp bãi vàng bao trùm một không khí tĩnh mịch, thi thoảng có tiếng máy bơm của những tốp khai thác vàng nhỏ lẻ vọng ra từ vách núi rồi im bặt. Đất đá được đào lên, chất thành đống cao như núi không theo một trật tự nào.

Những cái hố, cái ao hàng chục, hàng trăm mét vuông, dấu tích của những chiếc máy xúc, máy ngoạm để lại rải rác khắp thung lũng. Con suối chảy dọc trong thung lũng vẫn còn đó nhưng nó bị những ụ đất chặn lại, uốn éo ngang dọc; nước suối đỏ quạch, chảy như buồn ngủ. Bây giờ, tất cả máy móc của Công ty Tấn Thành đã được chuyển đi; chỉ còn một vài lán trại xập xệ không người ở và một giàn tuyển vàng bị gỉ sét, không còn sử dụng còn sót lại.

Vùng vàng… đặc biệt khó khăn

Tiến vào phía trong bãi vàng, chúng tôi gặp một tốp người dân ở bản Kim Vân đang lùa trâu về. Ở cái vùng bị xới tung như bị máy bay rải thảm này, thật khó có thể tìm kế sinh nhai nào khác là chăn trâu bò.

Ông Nông Thiêm Tẹo, năm nay gần 60 tuổi nhớ lại: Trước đây, cả bãi vàng này là khu ruộng bằng phẳng. Cả bản trồng ngô, trồng lúa xanh mơn mởn. Khi công ty khai thác vàng vào, dân bản phải nhường đất cho việc khai thác quặng quý. Dân cũng được hưởng một số tiền đền bù nhưng mong mỏi lớn nhất của bà con là việc khai thác hoàn thành nhanh chóng để bà con có đất cấy hái.

Việc khai thác mỏ kéo dài từ năm 2005; theo quyết định cấp mỏ, đến cuối năm 2008, mỏ vàng phải được đóng cửa, hoàn thổ, trả lại đất cho dân. Tuy nhiên, đến tận năm 2009, Công ty Tấn Thành vẫn tiếp tục khai thác trái phép và không thực hiện hoàn thổ. Khi các cơ quan chức năng vào ngăn cản việc khai thác trái phép thì công ty này lập tức di chuyển hết máy móc và để lại cả một bãi chiến trường như vậy.

Ông Nông Danh Hiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, huyện đã nhiều lần phản ánh đến các sở, ban, ngành nhưng đến nay mỏ vàng đã thay đổi nhiều chủ, khó tìm được chủ thực sự để buộc họ trả lại đất cho dân nên huyện đang báo cáo ngành công an vào cuộc để điều tra.

Ở cái vùng núi non trùng điệp này, tấc đất có thể trồng trọt được là tấc vàng đúng nghĩa. Và khi tấc vàng ấy bị đào xới, bị bỏ hoang thì đến hạt lúa, củ khoai dân bản cũng thiếu thốn. Hiện xã Kim Hỉ vẫn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn của cả nước. Riêng bản Kim Vân có 46 hộ dân nhưng khoảng 1 nửa trong số đó thuộc diện nghèo.

Theo lãnh đạo UBND xã Kim Hỉ, một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo ở Kim Vân là thiếu đất canh tác do khai thác vàng. Bà Định Thị Gia - mẹ đẻ của trưởng thôn Kim Vân nói: Trước đây, ít khi dân bản phải mua gạo để ăn. Bây giờ bãi vàng phá hỏng đất đai, gia đình nhiều nhất chỉ có 1.000m2 ruộng, nhà ít chỉ có 700m2. Ít ruộng làm không đủ thóc lúa để ăn nên nhiều hộ phải mua gạo. Mùa giáp hạt, có hộ phải độn ngô, khoai vào cơm mà sống qua ngày.

Khi đại gia khai thác vàng vẫn bóng chim, tăm cá; cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết có nghĩa là dân Kim Vân vẫn không có đất để sản xuất và cái đói nghèo sẽ vẫn tiếp tục đeo bám dân bản nơi đây...

Bài 2: Hồ... ngao ngán

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem