"Thuốc" nào cho "bệnh" lấn chiếm vỉa hè?

Phạm Mạnh Hà Thứ bảy, ngày 04/03/2017 10:02 AM (GMT+7)
Trước hết, phải nói ngay với nhau rằng, vỉa hè là thiết kế bắt buộc của giao thông đường phố. Đó là nơi để có khoảng không gian cho tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông trên đường, nhằm phát hiện kịp thời người và phương tiện di chuyển từ trong ngõ, từ nhà ở dân sinh ra đường, mà giảm tốc độ kịp thời tránh va chạm với nhau.
Bình luận 0

Cho nên, thiết kế vỉa hè là 1 nguyên tắc để đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo tính mạng của toàn dân. Nguyên tắc này phải được quán triệt tới từng người trong xã hội, rằng đó là một nguyên tắc vĩnh viễn không thể thay đổi được.

img

Đơn vị chức năng của các phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tháo dỡ các biển hiệu quảng cáo sai phép, lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Việt Linh

Ở nước ta, tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã có từ lâu và ngày càng trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, mà để giải quyết được triệt để "căn bệnh" lấn chiếm vỉa hè, thì cần một "đơn thuốc" đầy đủ. Thiếu 1 loại thuốc nào thì "bệnh" lấn chiếm vỉa hè cũng khó khỏi. Các nguyên nhân đó là:

- Thứ nhất, đầu tiên là, ở ta có sẵn một nền kinh tế tư nhân manh mún, tự phát. Cứ nhà nào có mặt đường đông người tham gia giao thông đi qua thì y như rằng nhà đó bung ra kinh doanh mặt tiền nhà của mình, theo quyền tự do kinh doanh của công dân đã được ghi trong Hiến pháp. Bởi nhà nhà kinh doanh, nhà nọ chen chúc cạnh tranh với nhà kia, nên nhà nào cũng cố phô trương quảng cáo việc kinh doanh của mình để thu hút tranh giành khách.

Đã kinh doanh kiểu này thì bao giờ cũng có lấn chiếm ra vỉa hè. Chính quyền dẹp là việc của chính quyền, còn việc của họ, là làm sao tìm cách quảng bá thu hút tranh giành khách hàng với nhà khác. Cho nên cứ đội ngũ lập trật tự vừa quay lưng đi thì họ lại bày ra lấn chiếm, việc dẹp vỉa hè cứ như "bắt cóc bỏ đĩa" là vì thế.

- Thứ hai, chính vì có sự giằng co kiểu "bắt cóc bỏ đĩa" trong việc dẹp vỉa hè như vậy, làm cả người buôn bán lấn chiếm và người đi dẹp vỉa hè cũng đều mệt mỏi. Trong khi đồng lương của lực lượng giữ trật tự vỉa hè là vô cùng thấp, không đủ sống để những người này yêu được cái nghề dẹp vỉa hè cho xã hội.

Có sự dàn xếp, thỏa thuận người buôn bán lấn chiếm "đóng phí" để người dẹp vỉa hè làm ngơ đi cho, có dẹp theo chỉ đạo của cấp trên thì cũng "alo" trước cho người buôn bán lấn chiếm rút trước vào trong khi đoàn trật tự dẹp đến. Đoàn vừa quay gót thì họ lại đẩy hàng ra vỉa hè.

- Thứ ba, tình trạng thất nghiệp ở ta đang diễn biến trầm trọng. Rất nhiều cử nhân, thạc sĩ có bằng cấp phải "treo chuồng gà" mà đi bươn chải đủ thứ việc để kiếm sống, chứ chưa nói đến những người kém may mắn không có trình độ gì.

Thì đương nhiên, "làm kinh tế vỉa hè" là sự lựa chọn của đại đa số, khi mà đến một suất xin làm công nhân (đồng lương đủ sống) cũng còn khó kiếm, chứ nói gì đến nguyện vọng được làm đúng chuyên ngành, chuyên môn được đào tạo. Mặc dù phải đối mặt với sự xua đuổi của lực lượng chức năng, nhưng cực chẳng đã, không còn con đường mưu sinh nào khác, họ buộc phải lao ra vỉa hè để kiếm sống.

- Thứ tư, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, ở ta luật pháp không nghiêm. Hầu như trên lĩnh vực nào cũng thế, các quy định của pháp luật đều bị "trừ hao" đi trên thực tế. Hầu như, cái quy định nào cũng bị người ta đem ra mua bán, dàn xếp ngầm với nhau. Luật pháp trên lý thuyết là có hiệu lực như thế, nhưng thực tế, việc có hiệu lực hay không, đến đâu, lại là do những con người quyết định với nhau.

Người Việt Nam lại có văn hóa duy tình hơn duy lý nên đã hình thành nên một nếp văn hóa "nhờn" luật, người ta coi chuyện pháp luật cứ như chuyện tình cảm vậy. Luôn có những câu cửa miệng như "xem xét", "tạo điều kiện", "linh động" "giúp đỡ"... khi người ta thực hiện quy định của pháp luật. Ở đây, quy định là không được lấn chiếm nhưng thực tế lại "được" lấn chiếm. Và khi lực lượng chức năng cho lấn chiếm 1 thì người ta lại lấn chiếm 2, cho 2 lại lấn 3,... là vì thế.

- Thứ năm, chính vì coi chuyện pháp luật cứ như chuyện tình cảm dẫn tới có tình trạng lợi ích nhóm trong các cơ quan nhà nước. Luật quy định là vậy, nhưng cơ quan nhà nước là nơi thi hành pháp luật thì lại không gương mẫu thi hành, mà lại có khi còn là nơi vi phạm pháp luật đầu tiên. Thượng "bất chính" như vậy, thì tất nhiên, đã nêu gương xấu để hạ "tất loạn". Thế mới có chuyện nhiều xe biển xanh ngang nhiên đi ngược đường, thậm chí vi phạm quy định điều khiển phương tiện gây tai nạn chết người nữa.

- Thứ sáu, quy hoạch đô thị của ta là làm theo kiểu "nước đến đâu bắc cầu đến đó", chắp vá theo nhu cầu phát sinh. Thế nhưng, sự phát triển của đô thị đâu có đơn giản vậy. Nó cần một kiến trúc đồng bộ, thống nhất toàn diện, như một cơ thể sống vậy, mà ai cũng thấy là một cơ thể sống thì đâu có thể phát triển chỉ một vài chỗ được.

Cơ thể phát triển chỉ vài chỗ, thì khỏe mạnh sao được, mà là cơ thể ung thư mất rồi. Ở nhiều khu phố ở các đô thị bói cũng không ra chỗ đỗ xe, để tìm được chỗ đỗ xe có nơi phải đi xa hàng cây số. Thì thử hỏi, liệu có ai muốn đỗ xe cách hàng cây số để đi bộ đến điểm cần đến không? Vậy họ không đỗ xe ngay điểm cần đến bất chấp là lấn chiếm vỉa hè lòng đường hay không, mới là lạ. Thứ nữa là, do văn hóa nhà nhà kinh doanh mặt đường đón khách như vậy, thì chả lẽ khách không đỗ xe trước nhà cửa hàng mình mua mà lại đánh xe đi đỗ ở nơi khác ?

Trên đây là toàn bộ các nguyên nhân "gây bệnh" lấn chiếm vỉa hè ở Việt Nam. Theo phác đồ điều trị thông thường là phải cắt đứt tất cả những nguyên nhân gây bệnh thì mới chữa "khỏi" hẳn được cái "bệnh". Thì ở đây, xin đề xuất  "đơn thuốc" chữa bệnh này như sau:

- Đối với văn hóa nhà nhà kinh doanh mặt đường vỉa hè, cần khuyến khích ưu tiên tổ chức những hình thức doanh nghiệp, siêu thị lớn, có quy hoạch hiện đại, chỗ đỗ xe trong khuôn viên đầy đủ, không dùng vỉa hè làm chỗ đỗ xe, như đúng theo nguyên tắc trong Luật Giao thông đường bộ tại khoản 1 điều 36 đã quy định "Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông", còn các hoạt động khác trên đường phố chỉ được tạm thời, tức là không được thực hiện thường xuyên.

- Đối với việc "làm ngơ" của lực lượng giữ trật tự, do đồng lương quá thấp, cần tăng lương, phụ cấp, nếu không tăng được cho quân số hiện nay thì cho tuyển chọn số người ít hơn để phân bổ lương tăng lên, mà làm được việc, dám chịu trách nhiệm đảm bảo trật tự vỉa hè.

- Đối với việc thi hành pháp luật, cần tuyệt đối "quân lệnh như sơn", để tạo văn hóa thượng tôn pháp luật. Với những bất cập phát sinh, cần có đội ngũ chuyên môn tham mưu điều chỉnh quy định pháp luật kịp thời, sau khi điều chỉnh mới thay đổi theo việc chấp hành pháp luật, chưa  điều chỉnh thì vẫn phải chấp hành quy định cũ. Một nguyên tắc phải đảm bảo rằng đã là pháp luật đang có hiệu lực thì phải tuân thủ.

- Đối với việc "thượng bất chính, hạ tất loạn", người của cơ quan nhà nước đã hiểu biết pháp luật mà lại cố tình vi phạm, thì phải bị xử lý nhanh chóng hơn, hình phạt nặng hơn để ngăn chặn việc nêu gương xấu cho người dân.

- Đối với tình trạng "làm kinh tế vỉa hè" của những người do thất nghiệp không còn việc làm, cần quy hoạch khu chợ cho họ có khoảng cách tách biệt khỏi đường giao thông để đảm bảo an toàn.

-Đối với quy hoạch đô thị, cần tổng thể, toàn diện, hài hòa giữa các cấu trúc, chỗ đỗ xe đầy đủ, hợp lý, có giám sát liên tục. Tuyệt nhiên tránh phải làm những giải pháp tình thế, chỉ vá víu lâu dần quy hoạch đô thị sẽ như cái áo vá, mất tính đồng bộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem