Cứ ngỡ đến khi bước qua sườn dốc bên kia của cuộc đời, ông sẽ an nhàn, vui vầy bên con cháu. Vậy mà người đàn ông trở về từ khói lửa ấy đang phải từng ngày đối mặt với nỗi lo kiếm tiền mua thuốc cho mẹ và vợ.
Mười năm nuôi vợ bệnhPhải chờ mãi đến hơn 7 giờ tối tôi mới gặp được ông U tại nhà. Thấy tôi, ông vừa thở hổn hển vừa nói như phân bua: “Tôi giữ xe trên chợ Hòa Hưng, quận 10 cả ngày nên giờ này mới về được. Kể ra, tôi làm cái nghề này ngót nghét mấy chục năm rồi đấy. Hồi xưa cả nhà khỏe thì đồng lương giữ xe còn chắt bóp, cố thắt lưng buộc bụng cũng đủ chi tiêu còn giờ nó chẳng thấm vào đâu so với tiền thuốc men”.
Ông U và vợ đang từng ngày chống chọi với hàng loạt khó khăn vì bệnh tật
Nói rồi, ông hướng đôi mắt rất buồn về phía chiếc giường nhỏ đặt ngay nhà trên. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Mai Thu (SN 1957) nằm rúm ró một góc giường, gương mặt phờ phạc, mệt mỏi và đầy vẻ lo âu. Ông U bảo, cái thời trai trẻ, ông đi bộ đội, sống trong cảnh bom rơi lửa đạn nhưng chưa bao giờ sợ hãi, nao núng. Ấy vậy mà nay nhìn vợ, lòng ông cứ se thắt lại. Câu chuyện về những khó khăn, mất mát và cả hy sinh được ông U bắt đầu như thế.
Quê nội tận Đồng Tháp, quê ngoại ở Long An nhưng ông U lại sinh ra bên Campuchia. Cái thời chiến tranh loạn lạc, cha mẹ ông tham gia cách mạng, vì nhiệm vụ nên cứ rày đây mai đó. Thành ra, tám anh em của ông cũng chẳng trùng nơi sinh. Sống tại Campuchia suốt mười năm đầu đời, ông U vừa học vừa phụ cha mẹ lo việc nhà.
Ông nhớ lại: “Hồi đó, nhà tôi sống trong một cái làng nhỏ chủ yếu là bà con người Việt mình thôi. Tôi học được dăm ba chữ lận lưng rồi nghỉ. Nhà đông anh em, cha mẹ tôi lại bận công việc liên miên nên chủ yếu là anh em tự bảo ban nhau sống”.
Năm 1970, gia đình ông U chuyển về Sài Gòn. Chưa có nhà, anh em ông sống cùng người cậu trên quận 10. Lúc này, cậu bé Bùi Văn U chỉ trạc 11 tuổi đã biết làm việc trong xưởng chế tạo đồ nhôm. Miệt mài với công việc nặng nhọc này suốt năm năm thì ông theo người bác về quận Gò Vấp làm gia công chiếu. Ông U kể: “Mình đi thu mua chiếu thô của thợ dệt về gia công lại khung, viền cho hoàn chỉnh rồi mang đi bán. Công việc này khiến tôi phải đi suốt, lại rất nặng nhọc.
Dù vậy, tôi rất vui khi có thể phụ cha mẹ lo cho các em ăn học. Tôi nghĩ vì mình ít chữ rồi nên càng phải vun vào cho những đứa em. Tính tôi vui vẻ, lạc quan lắm cực thì cực tôi vẫn thấy cuộc đời rất đáng sống”. Tám năm sau, ông U nhập ngũ và lên đường sang Campuchia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Những ngày khó khăn, hiểm nguy luôn chực chờ ấy rèn cho ông cái tính can trường, chịu thương chịu khó và nhất là luôn biết hy vọng.
Rời quân ngũ về nước, may mắn lành lặn, ông U lập gia đình với cô công nhân của nhà máy dệt, Nguyễn Thị Mai Thu. Ông nhớ lại: “Khi mới về quê, tôi học rồi làm nghề sửa xe trong một ga-ra. Sau đó, công ty dịch vụ quận 10 ra đời, tôi được tuyển vào đội giữ xe của công ty. Anh em trong đội cứ luân phiên giữ xe tại nhiều khu chợ trên địa bàn quận. Sau tôi chuyển hẳn về chợ Hòa Hưng. Tính ra cũng gần 20 năm rồi. Mặc dù đồng lương của hai vợ chồng cũng chẳng khá khẩm gì nhưng chúng tôi sống rất hạnh phúc. Không có nhà riêng nên hai vợ chồng tôi sống cùng cha mẹ.
Sau khi cha tôi mất một thời gian, mấy mẹ con mới chuyển về Hóc Môn”. Cuộc sống của hai vợ chồng ông U cứ trôi qua bình lặng cho đến khi bà Thu sinh cô con gái thứ 2 (năm 1993) thì cơ thể ngày càng yếu. Gắng gượng thêm một thời gian nữa thì bà Thu đành phải nghỉ việc ở nhà làm nội trợ và chăm sóc các con. Khoảng 10 năm trước, bà Thu phát bệnh tiểu đường, bao nhiêu tiền của, ông U dồn hết vào việc chữa bệnh cho vợ. Một mình ông chạy đôn chạy đáo kiếm tiền nuôi cả nhà.
Mấy tháng trước, thấy cơ thể bà Thu bỗng suy nhược nghiêm trọng, ăn uống, đi lại đều khó khăn, ông U đâm lo. Đưa vợ lên bệnh viện khám, kết quả, phát hiện bà Thu bị suy thận mãn giai đoạn cuối chuyển qua đau tim và xơ gan cổ trướng. Ông U bảo, nghe bác sĩ thông báo bệnh tình của vợ mà tai ông như ù đi. Mười năm nuôi vợ bệnh, cứ ngỡ chừng đó tai họa đã quá nhiều, Không ngờ, nay bà Thu lại phải chạy thận 3 lần/tuần. Cảnh nhà ông U vốn khó nay gần như cùng quẫn.
Hy vọng không bao giờ tắtHằng ngày, ông U thức dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cơm nước, thuốc men cho mẹ và vợ rồi mới đi làm. Hôm nào bà Thu có lịch chạy thận, ông hầu như không được ngủ. Còn cụ Phan Thị Nguyệt (mẹ ông) nay đã 85 tuổi. Cụ bị huyết áp, hở van tim hai lá, lại thêm bệnh thoái hóa cột sống. Từ ngày con dâu đổ bệnh, cụ cứ lọ mọ lo từng thìa cháo mỗi khi con trai vắng nhà. Hôm tôi đến, tay cụ run run cầm chiếc khăn lau tay, chân cho con dâu. Được một lúc, chừng như quá mệt, cụ ngồi thừ ra trên giường, giọng nói đứt quãng khi kể về con mình.
Cụ Nguyệt chăm sóc con dâu.
Cụ Nguyệt thổ lộ: “Tôi già lắm rồi, sống trên đời chừng đó năm coi như đã đủ, chẳng luyến tiếc gì nữa đâu. Thân tôi tuy mang nhiều bệnh nhưng tự thấy còn may mắn hơn con dâu tôi nhiều. Thương nó lắm cháu ạ. Mỗi ngày, thằng U đi làm, tôi ở nhà ngồi cạnh bên giường bệnh con dâu để hễ nó cần uống nước, ăn cháo đi vệ sinh thì tôi làm liền. Tôi già chân yếu tay run rồi nên làm gì cũng chậm chạp, nhưng biết sao bây giờ, phải nương tựa vào nhau thôi. Còn nước còn tát, đâu có bỏ con dâu tôi được.
Tôi cứ lo mãi, sợ con trai tôi không còn khả năng chữa bệnh cho vợ, con dâu tôi mà có chuyện gì chẳng lành thì mẹ con tôi cũng chẳng biết sống làm sao”. Nằm trên giường, nước mắt bà Thu cứ chảy dài khi nhắc đến chồng và mẹ chồng. Bà bộc bạch: “Từ bé, ông nhà tôi đã khổ lắm rồi. Vậy mà, cưới tôi về thì ông ấy càng khổ. Mười năm trước, tôi bệnh chẳng làm gì ra tiền nhưng ít nhất còn phụ ông quét được cái nhà, nấu nồi cơm.
Giờ thì tôi bất lực rồi, đến tự thay quần áo cho mình còn lúi húi mãi không xong. Bụng tôi ngày càng trương to, ăn gì là ói ra. Khổ nỗi, tôi rất thèm ăn nhưng không ăn được, cơ thể cứ teo tóp dần. Ban ngày, chồng tôi đi làm, mẹ chồng ở nhà kề cận tôi. Bà cụ khổ cả đời rồi, vậy mà đến tuổi này còn phải nuôi con dâu bệnh. Tôi nằm trên giường vừa xót chồng, xót mẹ vừa tủi cho cái thân mình. Phải chi tôi khỏe thì nhà đâu đến nỗi cùng quẫn thế này”.
Hai cô con gái của ông U đều đã lập gia đình và ra ở riêng. Người thất nghiệp, người công việc bấp bênh nên chẳng phụ giúp được gì nhiều cho cha mẹ. Có chăng là những ngày bà Thu chạy thận, hai cô con gái ráng sắp xếp thời gian phụ cha đưa mẹ đi đi, về về giữa nhà và bệnh viện. Lương giữ xe của ông U được 3 triệu đồng/tháng.
Chừng đó tiền, vừa dùng để chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày, vừa thuốc men, chạy thận cho bà Thu nên dù có chắt bóp kiểu gì cũng chẳng đủ. Đã vậy, bệnh của bà Thu phải chạy thận cho đến hết đời, chỉ cần bỏ vài lần là nguy hiểm đến tính mạng. Ông U cho biết: “Đợt trước, anh em ồng đội cũ của tôi hồi cùng chiến đấu bên Campuchia có ghé thăm, gom góp mỗi người một ít phụ tôi chạy chữa cho vợ.
Tình nghĩa đó tôi chẳng biết lấy gì đáp đền. Đến nay, tính sơ sơ tiền vay mượn thôi đã lên mấy chục triệu rồi. Lương tôi không đủ mua thuốc, mua sữa hằng tháng cho vợ nữa thì nói chi đến chuyện dành dụm trả nợ, tôi lo lắm nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm, tôi đâu thể bỏ mặc bà ấy. Mẹ tôi vẫn hay nói, còn nước còn tát. Tôi cũng nghĩ và tin như vậy. Tôi còn gắng gượng được tới đâu thì cùng vợ chống chọi với những ngặt nghèo này vậy”.
Gia cảnh ông U hiện rất khó khăn. Bản thân ông tuổi cũng đã cao, lao tâm lao lực nhiều nên sức khỏe cũng chẳng còn được như trước. Thêm vào đó, ông cứ canh cánh bên lòng nỗi lo không có tiền để ngày mai, mai nữa đưa vợ đi chạy thận. Rất mong bạn đọc gần xa hảo tâm giúp đỡ hai vợ chồng nghèo khó, bất hạnh này để họ có thể vượt qua giai đoạn quẫn bách nhất của cuộc đời.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Bùi Văn U, số nhà 1/141G, ấp Đình, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, TP.HCM hoặc điện thoại: 0906 847 411.
|
Nhật Ly (Dòng Đời) (Nhật Ly (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.