Năm 2000, chương trình Bucap phối hợp với Chi cục BVTV Quảng Nam tổ chức khóa đào tạo đa dạng hóa nguồn gen thực vật mà tập trung chính là cây lúa tại 2 địa phương thí điểm là xã Tam Xuân và Tam Thành.
Ông Thống và ông Trà là hai nông dân xuất sắc trong tiếp thu kiến thức và áp dụng vào thực tế. Các ông đã lai tạo thành công một số loại giống lúa có chất lượng vượt trội so với bộ giống địa phương thời điểm đó.
|
Ông Thống có ý định lai tạo các giống cây trồng khác để tăng thu nhập. |
Như chuyên gia
Cuối tháng 8-2001, hai ông được chương trình cho đi Philippines tham quan học tập, thực nghiệm lai tạo lúa. Sau khi tham quan IRRI (Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế Philippines), các ông về miền Nam Philippines giao lưu với nông dân bạn.
Ông Trà kể: "Sang đó, mình học tập ở bạn cũng nhiều. Ví dụ như cách cải tạo vườn đồi tạp, ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Tuy nhiên, khi mình thảo luận, thực hành lai tạo, phục tráng giống lúa thì vượt trội hơn các nước bạn".
Ông Thống tự hào: "nông dân xứ bạn khâm phục nông dân Việt lắm vì mình nhanh nhạy khi ứng dụng thực nghiệm. Dù giao thông nông thôn ở bạn phát triển gấp nhiều lần ta nhưng nông dân bạn thua xa mình về kinh nghiệm thực tiễn. Các bạn Philippines, Lào, Butan, đến cả Thái Lan phải thán phục khi các nông dân Việt Nam mình thực hành lai tạo giống. Khi chúng tôi trở lại Philippines lần thứ hai để báo cáo, truyền đạt cho nông dân bạn về cả lý thuyết và thực hành so sánh giống, phân ly giống, lai tạo giống lúa, họ không tin chúng tôi là nông dân mà cứ ngỡ chúng tôi là... chuyên gia nông nghiệp!"
Chuyến tham quan đó giống một hội trại của nông dân khu vực. Hai ông cho biết, khi tổ chức các trò chơi sinh hoạt cộng đồng, đoàn Việt Nam thắng phần nhiều. Các bạn ngạc nhiên thốt lên: "Nông dân Việt năng động quá".
|
10 năm qua, ông Trà và bà con quê mình luôn bội thu từ những giống lúa ông chọn, lai tạo. |
"Cố vấn" cho nông dân
Ông Trà tâm sự: "Sau khi đi về, thấy lượng kiến thức đã học từ chương trình Bucap như thấm vào máu". Về nhà, ông Trà tiếp tục công việc lai tạo giống. Một năm sau ông cho ra đời giống lúa riêng mình. Bà con làm theo không ngờ trúng lớn.
Các bạn Philippines, Lào, Butan, đến cả Thái Lan phải thán phục khi nông dân Việt Nam thực hành lai tạo giống.
Vùng quê ông sau đó trở thành nơi chuyên sản xuất giống lúa cung cấp cho thị trường cả nước, với đồng lúa giống rộng 100ha, nhiều giống lúa cũng khá có tên tuổi, được nông dân nhiều nơi ưa chuộng, như XI23, X21, PC6, HT1…
Riêng ông Thống, giống lúa TX7 của ông giờ thành một giống lúa phổ biến ở địa phương. Gần 10 năm qua, ông Thống trở thành "cố vấn" giống lúa cho bà ở Tam Xuân này. Cứ nghe ở đâu có giống lúa hay là ông tìm mang về. Ông trồng thử trước, thấy được thì phổ biến cho bà con. Cứ có gì thắc mắc về giống lúa thuần hay chưa thuần, hoặc giống lúa đó có tốt không là bà con trong xã lại chạy đến nhà ông Thống để tham khảo ý kiến.
Hoàng Đạo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.