Thương mạng hoá mạng 5G: Chuyên gia nói "đúng thời điểm" nhưng băn khoăn việc triển khai và nhân lực
Thương mạng hoá mạng 5G: Chuyên gia nói "đúng thời điểm" nhưng băn khoăn việc triển khai và nhân lực
Nguyễn Thịnh
Thứ năm, ngày 26/12/2024 15:07 PM (GMT+7)
Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho rằng việc triển khai mạng 5G ở Việt Nam bây giờ là đúng thời điểm. Tuy nhiên vấn đề triển khai thế nào, nguồn lực ra sao cần phải có bước đi phù hợp.
Sáng 26/12/2024 đã diễn ra Tọa đàm "Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh" với sự góp mặt của các nhà quản lý, nhà mạng, doanh nghiệp viễn thông.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ tịch ICT PressClub, cho biết tọa đàm về 5G nêu lên vấn đề thời sự khi mà các nhà mạng vừa tuyên bố thương mại hóa 5G, mở ra nhiều cơ hội mới về thị trường và trải nghiệm mới cho khách hàng.
Nói về triển khai 5G, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng có 2 vấn đề quan tâm là cấp phép 5G và phân bổ tài nguyên tần số.
"Về cấp phép, nhiều ý kiến băn khoăn triển khai 5G Việt Nam bây giờ là sớm hay muộn. Theo quan điểm cá nhân của tôi việc triển khai 5G ở thời điểm này là đúng thời điểm. Chúng ta nghe đến 5G từ lâu, nhưng đó là việc truyền thông của các nhà phát triển, còn tiêu chuẩn để được công nhận không phải sớm như vậy. Sau 4, 5 năm tiêu chuẩn ra, các nhà sản xuất mới làm ra thiết bị theo chuẩn đó, giá thành thiết bị rẻ đi", ông Lê Nam Thắng nói.
Về tài nguyên, đòi hỏi băng tần đủ lớn, sẵn sàng. Khi triển khai 5G, Bộ TT&TT, Cục Tần số đã bố trí, phân bổ, giải phóng băng tần phù hợp. Sau năm 2020, các băng tần phục vụ cho 5G mới dần được sắp xếp, bố trí.
Ông Thắng tiếp tục: "Vậy tại sao phải đấu giá, thi tuyển băng tần? Khi làm Luật Tần số năm 2009, chúng ta đưa vấn đề quản lý tài nguyên viễn thông thông qua hình thức đấu giá. Tư duy dần dần đưa hoạt động viễn thông theo cơ chế thị trường, tránh sự can thiệp của nhà nước. Tư duy đó dần được đưa vào việc quản lý tài nguyên. Vừa rồi chúng ta đấu giá thành công, các doanh nghiệp bỏ ra hàng nghìn tỷ để đấu giá, nên chắc chắn họ phải triển khai nhanh, nếu không tiền bỏ ra không lấy lại được".
Về việc thương mại hoá 5G, câu hỏi đặt ra là triển khai 5G thế nào, ông Nam Thắng phân tích, mạng lưới các doanh nghiệp đã triển khai. Thiết bị đầu cuối 5G cũng rất quan trọng. Phải xem cụ thể ở Việt Nam thiết bị đầu cuối cho 5G là loại nào, dùng cho đối tượng nào, giá cả bao nhiêu. Có thể có nhưng chỉ nằm ở một số phân khúc, phải nghiên cứu kỹ để triển khai mạng lưới đồng bộ với thiết bị đầu cuối. Cũng giống như xây đường, có đường như không có ô tô chạy cũng rất lãng phí.
"Ở góc độ doanh nghiệp, phải triển khai hạ tầng đi kèm thiết bị đầu cuối, ứng dụng và nguồn nhân lực. Việc thương mại hóa phải có bước đi phù hợp, đồng bộ các yếu tố với nhau. Nếu phủ sóng toàn bộ thì nguồn lực đâu? Phải có bước đi phù hợp. Về nguồn lực, nếu chuyên gia trong nước không có thì phải hợp tác", nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh.
"Cách triển khai là các doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp trọn gói, không phải chỉ phủ sóng mạng lưới mà đưa ra thiết bị mạng lưới, cung cấp ứng dụng, giải pháp, đào tạo nguồn lực. Không phải như thời 3G mình cứ xây mạng, người dân tự mua thiết bị dùng. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp viễn thông truyền thống chuyển thành doanh nghiệp công nghệ".
Đồng quan điểm, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cho rằng, triển khai 5G ở Việt Nam bây giờ là thời điểm phù hợp, không quá sớm nhưng không muộn. Chúng ta kỳ vọng vào 5G rất nhiều khi ITU công bố tiêu chuẩn và khi thương mại hóa chính thức năm 2019. Theo truyền thông, 5G là công nghệ di động phát triển nhanh nhất thế giới tính đến bây giờ.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã chia sẻ rằng khi đi vào mạng 5G, chúng ta thấy nó cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng. Khi cá thể hóa cho từng đối tượng khách hàng, các doanh nghiệp không chỉ cần đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan quản lý viễn thông mà còn với tất cả các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác.
Làm vậy là để các doanh nghiệp viễn thông biết được các chính sách liên quan đến những lĩnh vực ngành nghề khác. Khi biết được chính sách, biết được nhu cầu thị trường, thì doanh nghiệp sẽ có giải pháp cho các dịch vụ của mình. Vì rằng, nó cá thể hóa, nên việc chúng ta cá thể hóa dịch vụ cho từng đối tượng trong các thành phần kinh tế là rất quan trọng.
"Với 5G, với việc đã đấu giá, đã triển khai, đã có những đầu tư nhất định, chúng tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp tăng cường việc tìm hiểu chính sách của các ngành nghề, tìm hiểu nhu cầu thực tế, từ các hầm lò xem có cần đến mạng 5G không. Ở góc độ khi chúng ta đưa tự động hóa vào, số lượng công nhân, người lao động giảm xuống, chúng ta có giải quyết tận cùng vấn đề - đó là đào tạo nghề mới cho họ không", ông Nguyễn Phong Nhã nêu quan điểm.
"Đó là một số điều tôi nghĩ là để đi vào thị trường ngách, chúng ta cũng cần phải tìm hiểu nhằm có bài toán đến toàn bộ doanh nghiệp".
Ngày 26/12/2024, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức Công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2024, là kết quả bình chọn khách quan của gần 50 nhà báo đến từ hơn 40 cơ quan báo chí.
1. Tắt sóng 2G đưa 18 triệu thuê bao lên 4G.
2. Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu.
3. Chính phủ ban hành Nghị định về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
4. Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
5. Chính phủ phê duyệt Chiến lược Hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
6. Chính thức thương mại hoá 5G.
7. Hợp nhất Bộ TT&TT và KH&CN để thúc đẩy chuyển đổi số.
8. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030.
9. Các ngân hàng thực hiện sinh trắc học để chống lừa đảo trực tuyến.
10. Gã khổng lồ chíp bán dẫn NVIDIA mua cổ phần Vinbrain mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.