Thương nhớ đào rừng- Bài 4: Thực hư chuyện bày bán gốc đào rừng tại Hải Phòng
Thương nhớ đào rừng- Bài 4: Thực hư chuyện bày bán gốc đào rừng tại Hải Phòng
Thu Thủy
Thứ hai, ngày 04/01/2021 11:00 AM (GMT+7)
Trước yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc nghiêm cấm chặt đào rừng tự nhiên mang về xuôi chơi tết, nhiều ý kiến cho rằng đào rừng vẫn được vận chuyển về các tỉnh trong đó có Hải Phòng. PV Dân Việt đã đến làng hoa Đồng Dụ, xã Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng), nơi được cho là đang bày bán đào rừng để tìm hiểu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ trước đến nay, gốc cây đào (hay còn gọi là "phôi") được người dân làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương tìm mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc mang về ghép mắt, tạo dáng, chăm sóc cho cây ra hoa rồi đem bán phục vụ người dân chơi dịp tết.
Vẫn như mọi năm, năm nay, trước tết khoảng 45 ngày, cả làng xuống đồng vặt lá cây đào. Những nhà trồng đào cổ thụ thường phải đi lên miền núi tìm mua các gốc đào lớn mang về trồng ươm trong vườn, 20 ngày sau tiến hành ghép mắt cho kịp thời vụ đào tết năm sau.
Anh Trần Văn Nam (thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương, huyện An Dương, Hải Phòng) cho biết, những năm trước ở làng anh nhiều gia đình chuyên ươm cây bằng hạt ở dưới xuôi rồi lại vận chuyển ngược lên miền núi để bán hoặc thuê người dân địa phương trồng. Sau khoảng 2– 3 năm, gốc đào lớn như cây gỗ thì đến đánh về vườn trồng ghép mắt. Những cây đào trồng để chuyên ghép mắt thì không bán được cành vì gốc đào phải được đánh về trồng tại vườn từ trước tết gần 2 tháng. Lúc này thời tiết chủ yếu là rét đậm, cây đào chưa phun lộc, nhựa trong cây còn đặc đem trồng mới hiệu quả. Nếu để sau tết cây đào phun lộc xanh, gặp trời mưa phùn, nhựa bên trong loãng ra, mang trồng xuống đất gặp nắng là đào chết, tỉ lệ sống kém.
"Đào phôi được ươm xuống đất chờ khi chúng bén rễ, phun chồi, ghép mắt xong thì cũng là lúc những gốc đào chơi tết đã hết hoa, người trồng đào gom gốc về cắt bỏ cành trồng xuống vườn. Khi đó đào ghép mắt cũng phun lộc như đào chơi hết tết đem trồng. Như thế mới kịp thời gian chăm sóc cho đào tết năm sau đúng thời vụ"- anh Nam cho biết thêm.
Phôi đào được thương lái vận chuyển tận về làng
Việc mua phôi về ghép mắt vẫn là công việc của nhiều gia đình trồng đào cổ thụ tại Đặng Cương. Tuy nhiên, từ khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấm việc vận chuyển cành đào trên rừng về dưới xuôi chơi tết cũng làm ngưng trệ việc nhân ghép gốc đào cổ thụ của người dân nơi đây cho mùa đào tết năm sau.
Anh Đỗ Đình Thời (làng Trí Yếu, Đặng Cương) cho biết, nhà ông có 5 sào cây đào cổ thụ. Để giống đào này đẹp, khỏe mạnh, nhà anh và nhiều gia đình khác đều phải lên Sơn La, Mộc Châu mua gốc đào về trồng tại vườn rồi tiến hành ghép mắt. Những gia đình không có điều kiện thì mua lại của thương lái vận chuyển về. Năm nay anh Thời vẫn chưa mua được phôi nào vì còn phải nghe ngóng chỉ thị của Thủ tướng.
"Những gốc từ trước đến nay chúng tôi mua đều là đào người dân địa phương trồng trên đồi, các gốc đều tăm tắp như nhau, chúng mỡ màng và không khù khoằm cong queo như đào trên rừng. Tuy nhiên tôi vẫn sợ các cơ quan chức năng gây khó nên không dám đi mua, mặc dù bây giờ đang là thời điểm thích hợp của việc ươm phôi"- anh Thời băn khoăn.
Cùng nỗi băn khoăn như anh Thời, anh Đỗ Đắc Lợi (Đặng Cương) chia sẻ, nhà anh hàng năm ngoài trồng đào chơi tết, năm nào cũng phải ươm hàng vạn cây đào mạ để mang bán cho người dân ở miền núi. Cây đào ươm khi cứng cáp, gốc bằng ngón tay cái thì mang lên miền núi bán cho người dân địa phương trồng do cây đào thích hợp với vùng đất ở các tỉnh miền núi. Khi cây lớn, bà con lấy gốc bán trở lại cho các nhà vườn ở các nơi trong đó có Đặng Cương. "Năm nay, không biết tình hình sẽ thế nào, chúng tôi rất băn khoăn về việc này, rất mong các cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể để tránh việc những người dân miền núi trồng đào phôi để phục vụ nhu cầu của người miền xuôi gặp khó khăn trong việc tiêu thụ"- anh Lợi băn khoăn.
Trao đổi với Dân Việt xung quanh vẫn đề này, ông Nguyễn Thế Thuận, Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết, hiện nay, toàn xã có 70% người dân trồng đào cảnh, dịp này đang là thời điểm thích hợp để bà con ghép phôi. Thương lái vẫn chở gốc đào từ các tỉnh miền núi về bán tại địa phương cho người dân. Tuy nhiên, đào đó là đào được người dân địa phương trồng trên đồi, không phải đào rừng như phản ánh. "Nhiều năm nay, người dân trong xã vẫn thuê người miền núi trồng lấy phôi hoặc mua lại của thương lái mang về"- ông Thuận khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.