Thượng tá công an "mổ xẻ" hiện tượng người thân trong gia đình sát hại nhau

Đình Việt Thứ hai, ngày 05/12/2022 18:03 PM (GMT+7)
Liên tiếp các vụ trọng án xảy ra thời gian gần đây mà thủ phạm và nạn nhân lại là người thân trong gia đình đang để lại những ám ảnh, lo lắng trong xã hội. Vì sao ngày càng có nhiều vụ án đau lòng như vậy? Chuyên gia tội phạm học đã có phân tích về vấn đề này.
Bình luận 0

Ám ảnh hàng loạt vụ người thân sát hại lẫn nhau

Thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về hàng loạt các vụ giết hại người thân như chồng đánh chết vợ, vợ giết chồng rồi giấu xác phi tang, con giết cha mẹ, cháu giết ông bà, anh giết em…

Thượng tá công an "mổ xẻ" hiện tượng người thân trong gia đình sát hại nhau - Ảnh 1.

Tiến sĩ, thượng tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an). Ảnh: Dân Việt

Một số vụ việc điển hình như: Cuối tháng 5/2019, người dân phát hiện 3 người trong một gia đình, trong đó có người vợ 31 tuổi đang mang thai tháng thứ 8 và con gái mới 4 tuổi, đã chết trong một phòng trọ tại phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Người chồng 35 tuổi, quê Thanh Hóa, được phát hiện chết trong tư thế treo cổ bởi một sợi dây dù.

Qua công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng nhận định do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, người chồng đã dùng dao tước đoạt mạng sống của vợ và con, sau đó dùng dây dù treo cổ tự tử.

Trước đó, vụ án vợ giết chồng, phân xác phi tang cũng xảy ra tỉnh Bình Dương, vào cuối năm 2018, mà nguyên nhân gây án bắt nguồn từ ghen tuông, mâu thuẫn dồn nén.

Cũng trong năm 2019, xảy vụ án thảm sát 4 người trong một gia đình tại huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội, đối tượng gây án chính là anh trai ruột của gia đình nạn nhân.

Mới đây nhất, tại Hưng Yên, 3 người con sẵn sàng mua xăng qua đốt nhà mẹ để đòi quyền phân chia tài sản. Hậu quả, người mẹ bị nguy kịch, 2 trong 3 người con thực hiện hành vi đã qua đời.

Những sự việc người thân sát hại lẫn nhau liên tục xảy ra khiến dư luận bàng hoàng, để lại những ám ảnh, lo lắng trong xã hội. Vậy nguyên nhân của hiện tượng trên là gì?

Nguyên nhân do đâu, giải pháp là gì?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ, thượng tá Đào Trung Hiếu – chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho biết, hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau báo hiệu những điều bất thường trong xã hội.

Ông Hiếu cho rằng, nhìn ở nguyên nhân gần, tức là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến các tình huống xung đột, gây án mạng trong gia đình, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bột phát.

Mâu thuẫn trong gia đình hiện nay, có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hoá giữa các thành viên với nhau.

Các yếu tố này tích tụ, dồn nén. Khi vượt quá giới hạn của sức chịu đựng, việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình, giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực.

Tuy nhiên, không phải ai gặp phải các tình huống bất lợi như trên cũng có thể giết hại người thân của mình.

Theo vị chuyên gia, chính sự suy thoái văn hoá, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội và kế hoạch cũng như quyết tâm thực hiện tội phạm của hung thủ.

Hiện nay, không khó để nhận thấy tâm "tham" với ý nghĩa mong cầu, dính mắc, sở hữu, đang vận động rất mạnh trong tâm lý nhiều người.

Hoàn cảnh xã hội, các tác động tiêu cực từ đời sống kinh tế, văn hoá, khiến các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, nhường chỗ cho sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi.

Ông Hiếu cho rằng, càng chạy theo giá trị vật chất, tôn thờ đồng tiền, lấy tiền bạc hay quyền lực là thước đo cao nhất trên thang giá trị thì sẽ càng ích kỷ.

Tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, đi liền với nó là lối sống hưởng thụ, chỉ biết mình và hoàn toàn vô cảm với đúng sai sẽ sẵn sàng xé rào bất chấp luật pháp hay đạo lý miễn là bảo đảm được lợi ích của mình.

Chính vì sự mong cầu vật chất, mong muốn thỏa mãn lợi ích, nên con người ta mới sẵn sàng bảo vệ nó bằng mọi giá.

Khi cảm thấy lợi ích bị xâm hại, hay không đạt được kỳ vọng, từ "tham" sẽ chuyển hoá, kích động tâm "sân", tức là sự nóng nảy, giận dữ trỗi dậy. Chính trong quá trình vận hành của tâm sân, mà án mạng xảy ra.

Theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa trọng án ngoài xã hội và trong gia đình nói riêng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng lại con người hướng đến 3 gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là giới, định, tuệ.

Bởi, việc kế thừa, phát huy những giá trị tinh thần, triết lý cổ xưa vào việc giáo hoá con người là hướng đi đúng đắn ở nhiều quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao.

"Xây dựng một xã hội không chạy theo sự tăng trưởng, mà hướng đến hạnh phúc của con người dựa trên nền tảng đạo đức, tinh thần vị tha cao cả, nên chăng là lựa chọn của chúng ta?" – ông Hiếu nêu suy nghĩ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem