Mười ngày Đại lễ mừng nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đã sắp trôi qua. Mừng là thời tiết thật đẹp cho thủ đô, cho những cuộc vui. Phố phường lộng lẫy cờ hoa. Tiếng ca tiếng hát vang lừng. Người người chen vai thích cánh ra Hồ Gươm, vào Hoàng Thành. Náo nức chờ lễ hội duyệt binh diễu hành với hơn ba vạn người bước dưới đất, với mười chiếc trực thăng bay trên trời mang cờ Tổ quốc. Thu Hà Nội trời đã chiều người, chiều lịch sử.
Nhưng trời rộng khắp bao la, nơi này nắng thì nơi khác mưa, nơi này khô ráo thì nơi kia ngập lụt. Nắng mưa là chuyện của trời, nhưng đối phó với nắng mưa bão lụt là chuyện của người. Thủ đô đẹp trời đẹp lễ, nhưng miền Trung hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình nhiều thôn xóm làng xã đang ngập chìm trong nước lũ về, trong mưa trút xuống. Nhiều người đã chết. Bao người nữa đang chờ được cứu sống, được cung cấp lương thực, thuốc men, được khô ráo thân thể. Thăng Long nghìn tuổi tự hào với cả nước, với thế giới, cháu con biết ơn tiền nhân bao đời lao động đấu tranh dựng xây cho kinh thành xưa thủ đô nay, cho một dải nước non bền vững, trường tồn. Nhưng dòng chảy lịch sử là chảy qua những ngày thường hiện tại. Ai nỡ vui quá mức khi đồng bào còn lâm nạn. Ai nỡ hát ca tưng bừng khi dân chúng còn rét lạnh. Những đồng tiền đã được quyên góp. Những kiện hàng đã được chuyển đi. Những lời nói chia sẻ đã được cất lên. Vẫn cần nữa, trong ngày vui Đại lễ, những tấm lòng cảm thông và lo lắng cho miền Trung những ngày này, và rộng ra, cho nhiều người dân Việt còn vất vả, khó khăn, nhưng luôn hướng vọng về Thăng Long - Hà Nội như nguồn cội, như niềm tin.
Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La là để mở mang và phát triển đất nước. Đi từ rừng núi về đồng bằng châu thổ, vị vua khởi triều nhà Lý đã không quên dân, khi ông muốn cho dân thoát cảnh sống tối tăm, trũng thấp. Hãy cùng đọc lại những lời Chiếu dời đô khi Lý Thái Tổ xác định địa thế của vùng đất kinh đô mới: "Ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh". Từ thế đất kinh đô thấy ra thế nước, thế dân. Kinh thành trung tâm của cả quốc gia chỉ bền vững, tốt tươi khi cả đất nước thanh bình, yên ổn. Miền Trung, "khúc ruột" của dải đất hình chữ S, luôn là nơi chịu nhiều thiên tai địch họa, và cũng luôn là nơi nhận được sự thương yêu, đùm bọc của cả nước.
Hà Nội cộng ngàn năm là cộng cả tình thương và trách nhiệm đó đối với miền Trung, đối với cả nước.
Phạm Xuân Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.