Thủy đậu, sởi, ho gà "vào mùa", bác sĩ cảnh báo nguy hiểm

Diệu Linh Thứ năm, ngày 21/03/2024 06:09 AM (GMT+7)
Tại nhiều địa phương đã ghi nhận rải rác nhiều ca bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi, thủy đậu và ho gà...
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cho biết, hiện khoa bệnh nhiệt đới của bệnh viện đang điều trị nội trú và ngoại trú cho gần 10 bệnh nhân mắc thủy đậu, trong đó có cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Theo bác sĩ Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, nhiều trường hợp thủy đậu tưởng bệnh nhẹ nhưng lại rất nguy hiểm khi bị biến chứng. 

Một trong số đó là bệnh nhân Đ.T.T.H (trú tại Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) bị mắc thủy đậu với các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng và ngứa rát toàn thân. Sau 7 ngày điều trị tại bệnh viện, các nốt phỏng thủy đậu vẫn còn xuất hiện nhiều trên mặt và toàn thân. Bệnh nhân này chưa được tiêm phòng thủy đậu.

Thủy đậu, sởi, ho gà "vào mùa", bác sĩ cảnh báo nguy hiểm- Ảnh 1.

Trẻ mắc thủy đậu đến khám tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Ảnh BVCC)

Tại khoa Nhi cũng đang điều trị cho một bệnh nhi 9 tháng tuổi mắc bệnh nhưng chưa được tiêm phòng thủy đậu. Được biết, bệnh nhi vẫn còn xuất hiện nhiều nốt thủy đậu trên mặt, trên người và bị viêm phổi. 

Bác sĩ Đinh Thị Uyên, Phụ Trách Đơn nguyên tiêm chủng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông chia sẻ: Thủy đậu không chỉ là bệnh ngoài da để lại sẹo, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm tai ảnh hưởng đến thính lực… 

Thủy đậu đặc biệt nguy hiểm với bà bầu, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người có bệnh nền mạn tính. Tiêm phòng vaccine là biện pháp phòng bệnh thủy đậu và tránh biến chứng hiệu quả nhất". 

Ngoài thủy đậu, nhiều nơi trên cả nước cũng đã ghi nhận các ca bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà. 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.

Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết gió lạnh, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn quốc. 

Nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine như sởi, ho gà, thủy đậu...

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà. 

Tăng cường dự phòng các bệnh bằng cách tiêm vaccine tại cộng đồng và các cơ sở y tế: Triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Thủy đậu, sởi, ho gà "vào mùa", bác sĩ cảnh báo nguy hiểm- Ảnh 2.

Tiêm vaccine dự phòng các bệnh thủy đậu, sởi... cho trẻ em tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ảnh BVCC

Cùng đó thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.

Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vaccine để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.

"Để phòng chống bệnh thủy đậu nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung, người dân cần vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ; sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng; vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 9 tháng tuổi để phòng bệnh tránh lây lan. Tuyệt đối không nên tự điều trị tại nhà, tránh bệnh tiến triển nặng"

Bác sĩ Nguyễn Thùy Dương – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem