Thuỷ điện nhỏ đề nghị tăng giá mua bán điện: Chuyên gia năng lượng nói gì?

An Linh Thứ năm, ngày 20/04/2023 16:52 PM (GMT+7)
Lấy lý do sau 13 năm, giá mua điện của thuỷ điện nhỏ chỉ tăng 300 đồng từ 810 đồng lên 1.110 đồng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa đề nghị tăng giá mua bán điện năm 2023 của các nhà máy thuỷ điện nhỏ.
Bình luận 0

Đề nghị tăng giá mua bán điện thuỷ điện nhỏ sau 13 năm

Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, chuyên gia ngành điện cho rằng trong bối cảnh EVN đang rất khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ năm qua có lợi nhuận tốt thì đề xuất này là thiếu cơ sở.

Thuỷ điện nhỏ đề nghị tăng giá mua bán điện cho EVN: Chuyên gia năng lượng nói gì? - Ảnh 1.

VEA đề xuất tăng giá mua bán điện của các nhà máy thuỷ điện nhỏ (Ảnh minh hoạ)

Trong bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực về việc "đề nghị tăng giá mua bán điện năm 2023 cho các nhà máy thủy điện nhỏ", VEA cho rằng: Trong 13 năm qua, kể từ khi áp dụng biểu giá chi phí tránh được (từ năm 2009 đến hết năm 2022): Chỉ số CPI đã tăng 99,9% dẫn đến suất đầu tư cho thuỷ điện nhỏ tăng cao, giá bán điện thương phẩm bình quân của EVN cũng tăng tới 98,5% (từ 948,5 đồng lên 1882,73 đồng), trong khi giá mua điện bình quân của EVN đối với các nhà máy thủy điện nhỏ chỉ tăng 37% (từ 810 đồng lên 1.110 đồng).

Theo VEA, kết quả tính toán của EVN dựa theo biểu giá chi phí tránh được quy định tại Thông tư 32/2014/TT-BCT, giá mua điện của các thuỷ điện nhỏ trong các năm đều tăng.

Cụ thể là năm 2021 tăng 13,6% so với năm 2020, năm 2022 tăng 23,6% so với năm 2021, năm 2023 với mức tăng hơn 40% so với năm 2022. Nhưng trên thực tế, biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ hàng năm không tăng mà còn giảm (năm 2020 giảm so với năm 2019), các năm 2021, 2022 giữ nguyên giá so với năm 2020. Nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu (than, khí) tăng cao đột biến, các khoản chi phí sản xuất, chi phí tài chính (lãi suất ngân hàng, đồng USD trượt giá) tăng đáng kể.

Trong kiến nghị của mình, VEA cho rằng, việc không tăng giá điện đang gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ trong việc trả nợ ngân hàng, tính thời gian hoàn vốn, suất đầu tư, cũng như chưa đảm bảo tính công bằng, bảo đảm quyền, lợi ích của các nhà đầu tư thủy điện vừa và nhỏ.

Theo VEA, hiện tổng công suất đã hòa lưới phát điện của các nhà máy thủy điện nhỏ khoảng 4.698 MW, đóng góp trung bình hàng năm khoảng 17 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia (chiếm khoảng 8% sản lượng điện toàn hệ thống năm 2021).

Thủy điện nhỏ đã góp một phần quan trọng trong việc phủ đỉnh các giờ cao điểm của hệ thống điện Việt Nam. Các nhà máy thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo, xanh, sạch, vận hành linh hoạt, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm giá thành điện, với giá mua điện rẻ hơn so với các nguồn điện khác (điện gió, mặt trời, nhiệt điện).

Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện nhỏ đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống lũ, đóng góp thu ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tốt cho phát triển kinh tế của các tỉnh miền núi.

Chia sẻ nhanh với PV Dân Việt, một chuyên gia năng lượng cho rằng đề nghị tăng giá điện cho các dự án thủy điện nhỏ khó khả thi bởi hiện nay giá điện bán lẻ vẫn chưa được tăng. Thêm nữa, việc đề xuất tăng giá mua điện với EVN trong bối cảnh EVN đang lỗ do chi phí đầu vào khá lớn hơn 26.235 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD) trong năm 2022 là chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". 

Theo vị này, trong bối cảnh EVN đang rất khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ năm qua có lợi nhuận tốt thì đề xuất này là.. "thiếu cơ sở".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem