GS Võ Tòng Xuân: Nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước do thủy điện Trung Quốc, phải dùng tiết kiệm, không thể xài sang

Anh Thơ (thực hiện) Thứ bảy, ngày 13/03/2021 18:11 PM (GMT+7)
Theo GS Võ Tòng Xuân, dù chiến lược sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xoay trục theo hướng ưu tiên: thủy sản - trái cây - lúa gạo thì cây lúa với vùng đồng bằng vẫn có vị trí vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long cần có kế hoạch sử dụng nước hợp lý.
Bình luận 0

Vị thế của hạt gạo Đồng bằng sông Cửu Long đã khác

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo giáo sư, nghị quyết này đã tạo ra được những chuyển biến như thế nào cho vùng đồng bằng trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu?

- Có thể khẳng định, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã "cởi trói" cho người nông dân đồng bằng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi. 

Trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán sống chung, thích ứng với hạn mặn, nhiều mô hình sản xuất đã được người nông dân, các nhà khoa học, ngành chức năng thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Từ Nghị quyết 120, người nông dân có thể chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi mà không phụ thuộc vào cây lúa, thay vì làm 3 vụ lúa, bà con có thể chuyển sang nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái hoặc các mô hình lúa - tôm kết hợp

Thực tế, không phải đến khi có Nghị quyết 120, những mô hình như lúa - tôm kết hợp mới được nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện.

Những năm 1980, người dân đồng bằng đã sáng tạo ra hệ thống canh tác thích ứng với điều kiện của đồng bằng: trồng lúa trong mùa khô, khi nước mặn lên thì người ta nuôi tôm và đã thành công. Nhưng phải đến khi có Nghị quyết 120 thì những mô hình như thế này mới phát triển mạnh mẽ.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, nếu như năm 2015, toàn vùng mới có khoảng 120.000ha diện tích áp dụng mô hình tôm - lúa kết hợp thì đến năm 2020 diện tích này đã lên đến 220.000ha.

Vài năm trở lại đây cũng đã ghi nhận sự phát triển của các vùng chuyên canh cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều loại trái cây của đồng bằng đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính trên thế giới. 

Võ Tòng Xuân - Ảnh 1.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng, lúa gạo vẫn là ngành hàng vô cùng quan trọng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghị quyết 120 cũng đề cập đến vấn đề xoay trục sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo thứ tự ưu tiên là: Thủy sản - trái cây - lúa gạo. Giáo sư đánh giá như thế nào về chủ trương xoay trục này?

- Điều này là hoàn toàn hợp lý dựa trên những lợi thế đã được khẳng định ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, dù thế nào, cây lúa vẫn giữ một vị trí vô cùng quan trọng với người dân đồng bằng, không bao giờ bỏ được.

Có một điểm đặc biệt là, giống lúa ở Việt Nam rất ngắn ngày, không nước nào có được. Bình quân chỉ gieo trồng 3 tháng là chúng ta có một vụ lúa, trong khi giống gạo ngon nhất của Thái Lan bán với giá 1.000 USD/tấn chỉ làm được 1 vụ/năm.

Nhờ đẩy mạnh các yếu tố kỹ thuật, cải tiến giống, chúng ta đã được sở hữu nhiều loại gạo ngon, cộng với quy trình canh tác an toàn, dùng phân bón hữu cơ vi sinh để tăng sức đề kháng của lúa, từ đó giảm thuốc bảo vệ thực vật giúp vị của hạt gạo ngon hơn rất nhiều.

Việt Nam cũng đã có giống gạo ST24, ST25 ngon nhất nhì thế giới và nhiều giống lúa có chất lượng cao, được thị trường các nước rất ưa chuộng. Một vài năm trở lại đây, giá lúa gạo của Việt Nam rất cao, đã tiệm cận mức giá của gạo Thái Lan chứng tỏ vị thế của hạt gạo Việt đã rất khác.

Xây dựng hệ thống thủy lợi hài hòa cho lúa và thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nghị quyết 120 cũng được coi là nghị quyết "thuận thiên". Theo giáo sư, tinh thần thuận thiên được thể hiện như thế nào?

- Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã ngồi lại với các nhà khoa học để nghiên cứu, phân vùng sản xuất cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng.

Theo đó, vùng vành đai dọc biên giới Campuchia từ An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An với diện tích 1,2 triệu hecta được quy hoạch trồng lúa với 3 vụ/năm do vùng này nước biển không vào tới được, trong khi nước ngọt không thiếu.

Ở vùng giữa thay vì trồng 3 vụ lúa nhiều nơi đã chuyển sang trồng cây ăn trái, hoặc mùa mưa trồng lúa còn mùa khô ưu tiên các cây màu ngắn ngày.

Vùng ven biển, các mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, mô hình kết hợp lúa - tôm được triển khai hiệu quả.

Các giải pháp kỹ thuật như xuống giống lúa sớm để "né mặn", chủ động tích nước trong mùa mưa đã giúp 2 vụ đông xuân trở lại đây, những tác động tiêu cực do xâm nhập mặn đã được giảm thiểu đáng kể.

Phải khẳng định, tác động của Nghị quyết 120 là rất lớn nhưng tiềm năng của vùng đồng bằng vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. 

GS Võ Tòng Xuân: Nếu Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước do thủy điện Trung Quốc, phải dùng tiết kiệm, không thể xài sang - Ảnh 2.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được đánh giá lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: H.Xây.

Với một vùng đất như Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp công trình là rất quan trọng để điều tiết mặn ngọt. Theo giáo sư, các công trình thủy lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy hết tác dụng chưa?

- Đúng là những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư nhiều công trình thủy lợi nhưng chưa đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa các vùng sản xuất.

Hiện nay, hệ thống thủy lợi đang phục vụ trồng lúa là chính, lúa coi nước mặn là kẻ thù, trong khi nuôi tôm thì lại cần nguồn nước mặn. 

Có thời gian, nhiều diện tích nuôi tôm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị dịch bệnh là do thiếu nguồn nước mặn, những vuông tôm bên trong muốn có nước có khi phải sử dụng nước dư thừa của những vuông tôm bên ngoài, khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Hoặc nước thải từ các vuông tôm xả ra môi trường làm ảnh hưởng đến cây lúa, khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa người trồng lúa và người nuôi tôm. Những chuyện như thế không hiếm gặp ở đồng bằng.

Chúng ta ngăn mặn, ngọt hóa bên trong là làm theo kiểu con người muốn chứ không phải trời muốn. Vì vậy, hệ thống thủy lợi phải đạt được mục tiêu điều hòa mặn ngọt hợp lý giữa các vùng sản xuất.

Nếu có hệ thống thủy lợi dành cho vùng sản xuất tôm - lúa thì mục tiêu ngành tôm đem về 10 tỷ USD mà Thủ tướng đặt ra cách đây 4 năm hoàn toàn có thể đạt được.

Theo giáo sư, để có thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần giải pháp gì mang tính căn cơ nhất?

- Những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu ở Đồng bằng sông Cửu Long, chính vì vậy, để khai thác tốt lợi thế, đánh thức tiềm năng đồng bằng, người nông dân cũng phải đổi mới, liên kết trong các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất lớn, theo tiêu chuẩn.

Nếu thay đổi tư duy sản xuất, chỉ trong vài năm tới, nông dân sẽ giàu.

Chính phủ, các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu các chính sách thu hút nhiều hơn các doanh nhân tài giỏi đầu tư cho vùng đồng bằng để đánh thức các lợi thế.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước sông Mekong, nhất là vùng hạ lưu, trong đó có Việt Nam. Quan điểm của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

- Thủy điện ở thượng nguồn do Trung Quốc chỉ là một yếu tố gây nên những thay đổi ở dòng chảy sông Mekong và làm nghiêm trọng hơn vấn đề hạn mặn. Biến đổi khí hậu đang phức tạp cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong bối cảnh đó, ngoài việc con người cần giảm bớt những hoạt động có thể gây ra hiệu ứng khí nhà kính thì giải pháp sản xuất thuận thiên, linh hoạt cũng cần được áp dụng.

Khi nước không còn dồi dào thì chúng ta không thể xài sang mà sử dụng hợp lý ở 1,2 triệu hecta chuyên trồng lúa, có giải pháp giữ lại nước mưa, nước lũ để giảm thiểu thiệt hại khi xâm nhập mặn.

Vùng ven biển giảm bớt trồng lúa trong mùa nắng chuyển sang các đối tượng cây trồng - vật nuôi khác.

Xin cảm ơn giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem