Thủy điện và thủy... hại

Thứ sáu, ngày 05/11/2010 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hết Bắc miền Trung, bây giờ lại tới Nam miền Trung oằn mình gánh lũ lụt. Đợt lũ này ở các tỉnh Nam Trung bộ, tình hình có thể còn nguy ngập hơn trận lũ lịch sử ở Bắc Trung bộ.
Bình luận 0

Các trận lũ ngày một dữ dằn hơn, bất ngờ hơn, khó đoán định để tránh né. Bởi, lũ trời bây giờ lại kết hợp với “lũ người” là các hồ chứa nước thủy điện do con người làm nên suốt dải đất miền Trung. Chỉ tính riêng từ Bình Định tới Bình Thuận, con số các hồ thủy điện đã lên tới gần trăm.

Như ở Phú Yên, mới năm ngoái ngay cơn bão số 9, mưa lớn lũ về, các “hồ thủy điện bậc thang” thuộc sông Ba từ Thượng tới Hạ đồng loạt xả lũ để “tự cứu mình”, dồn thảm họa và cái chết xuống cho nhân dân ở các vùng hạ lưu.

Năm nay tình hình vẫn vậy, dù các hồ thủy điện sông Ba có đủ thời gian để xả lũ sớm, nhưng “lũ người” vẫn tiếp tục chồng lên, nhân lên với lũ trời, khiến vùng hạ lưu mấy huyện ở Phú Yên ngập chìm trong nước sâu.

Khi “người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện” tới mức cứ có sông là có hồ thủy điện, thì điều đáng sợ nhất bây giờ, thảm họa trực tiếp bây giờ với nhân dân miền Trung lại là “lũ người” chứ không phải lũ trời.

Ngày trước, mưa cỡ 500-600mm là có lũ lụt, nhưng tốc độ nước không dữ dội như bây giờ, và độ “phủ nước” không sâu rộng như bây giờ. Vì thế người dân còn có thời gian để xoay trở, phòng tránh. Bây giờ thì chịu!

Không biết các hồ thủy điện xả lũ lúc nào, mấy hồ cùng xả. Bắt lỗi hồ này, thì họ lại đổ cho những hồ trên cao hơn mình xả trước, mình phải xả sau. Còn nếu hỏi tất cả các hồ cùng một lúc, thì chẳng ai chịu trách nhiệm cả.

Cách đây mấy năm, vào lúc “cao điểm” của những cuộc “chạy” xin giấy phép đầu tư làm thủy điện, ngay tại tỉnh lỵ Quảng Nam tự nhiên mọc lên khá nhiều “văn phòng thủy điện”-là nơi người ta lập nên để “chạy” xin giấy phép, làm thủ tục.

Rồi khi hỉ hả với tấm giấy phép, người ta bắt đầu huy động lực lượng, trước nhất là… phá rừng-những khu rừng nguyên sinh mà họ gọi “nhầm” là “rừng nghèo”. Chưa cần khai thác thủy điện, nội chuyện phá rừng lấy gỗ đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho chủ đầu tư rồi.

Tiếp đến mới làm hồ chứa nước. Người dân ngây thơ cứ nghĩ họ xây hồ chứa nước vừa làm thủy điện, vừa làm thủy lợi, dân được nhờ. Hoá ra, những hồ này không những không làm “thủy lợi”, mà chỉ làm “thủy hại”.

Ai cũng biết, đầu tư cho thủy điện là một ngành đầu tư thu hồi vốn rất nhanh và hái ra tiền rất lớn. Chỉ có điều, lợi nhuận ấy thu được nhiều khi phải đánh đổi bằng sinh mạng của người dân vùng hạ lưu mỗi khi mưa lớn, lũ về.

Bây giờ, chẳng lẽ lại lấp hồ thủy điện? Mấy ai chịu “nghĩ 7 lần” trước khi ký quyết định cho làm thuỷ điện?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem