Thủy điện “vây” Vườn quốc gia Ba Bể

Thứ hai, ngày 11/07/2011 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau loạt bài “Cắt vườn quốc gia làm thủy điện”, Dân Việt tiếp tục phát hiện Vườn quốc gia Ba Bể, Bắc Kạn đã và đang bị người ta tàn phá bằng việc xây dựng các công trình thủy điện.
Bình luận 0

Một nhà máy thủy điện đã hoàn thành trong khu vực VQG Ba Bể; một nhà máy khác đang chuẩn bị khởi công nằm trên con sông chảy vào vùng lõi của vườn. Hệ sinh thái VQG này đã, đang và sẽ bị đe dọa; đặc biệt hồ Ba Bể có thể đứng trước nguy cơ cạn kiệt...

img
Nhà máy Thủy điện Tà Làng được xây dựng trong vùng đệm của Vườn quốc gia Ba Bể.

Chặn nước vào hồ Ba Bể

Từ thị trấn Nà Pặc (huyện Ngân Sơn) nằm bên Quốc lộ 3, chúng tôi rẽ vào đường đi huyện Ba Bể. Đi được 10km, chúng tôi rẽ vào điểm cuối của xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, ngay dưới chân đèo Colia, bên này là đất Bắc Kạn, bên kia là huyện Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng. Từ lưng chừng đèo, một con đường mới được san ủi, máy móc đang nằm ngổn ngang.

Cuối con đường dài khoảng 1km, dốc đứng, lởm chởm đất đá chính là dòng sông Năng đang chảy ầm ào suốt ngày đêm. Đây cũng chính là địa điểm sẽ xây con đập chặn dòng của Dự án Thủy điện sông Năng (công suất 5MW) do Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Bắc Kạn làm chủ đầu tư.

Năm 2002, UBND tỉnh Bắc Kạn có ý định xây dựng một công trình thủy điện tại thác Đầu Đẳng cũng nằm trên sông Năng ở gần hồ Ba Bể. Sau đó, do có nhiều ý kiến phản đối nên dự án này bị dừng lại. Sau đó, 2 dự án Thủy điện Tà Làng và sông Năng đã nhanh chóng được phê duyệt và triển khai xây dựng.

Theo các quyết định của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bắc Kạn, con đập thủy điện có chiều cao tới 33m, hình thành nên một khu vực hồ rộng hơn 75ha với lượng nước chứa là 1,68 triệu m3. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này, chế độ thủy văn của dòng sông Năng sẽ bị thay đổi mạnh, từ chế độ dòng chảy tự nhiên chuyển sang chế độ dòng chảy hồ, ngăn cản sự di chuyển của các động vật thủy sinh, tác động đến hệ thống sinh thái trong khu vực...

Ông Bàn Kiều Trám, nhà ở thôn Nà Nộc, xã Bành Trạch, ngay dưới chân đập sẽ xây, cho biết, chủ đầu tư đã trả tiền đền bù đất cho các hộ dân. Tuy nhiên, điều những người nông dân như ông Trám lo nhất là thiếu nước sản xuất cho nương lúa, bãi soi của gia đình; cá sông Năng vốn rất nhiều và nhiều loại thuộc hàng quý hiếm cũng sẽ bị ngăn lại trên đập.

Nhưng điều khiến nhiều người đang hết sức lo ngại là ở cách địa điểm xây dựng Thủy điện sông Năng gần 20km, là VQG Ba Bể - nơi được công nhận là Vườn di sản ASEAN, là khu du lịch quốc gia, là nơi có hồ Ba Bể - là một trong những hồ nước ngọt lớn và độc đáo nhất thế giới. Sau khi chảy uốn lượn trong các ngọn núi, con sông Năng sẽ giao cắt với hồ Ba Bể.

Theo lãnh đạo VQG Ba Bể, khi nước sông Năng lớn, nước sẽ chảy vào hồ; khi nước ở mức độ vừa phải, nó đóng vai trò như cái van ngăn cho nước hồ không bị chảy ra ngoài; khi nước sông thấp, nước trong hồ sẽ chảy ra sông.

Như vậy, nếu đập Thủy điện sông Năng được xây dựng (theo Sở Công Thương Bắc Kạn, đây là công trình thủy điện có tích nước hồ lớn nhất trong hệ thống thủy điện đã được quy hoạch của tỉnh), lượng nước sông Năng chảy về phía hồ Ba Bể sẽ giảm và ảnh hưởng đến lượng nước của hồ. Ngoài ra, hệ thống động vật thủy sinh, hệ sinh thái của VQG không thể nói là không ảnh hưởng.

Thủy điện trong vùng đệm

Một tài sản thiên nhiên quý giá

VQG Ba Bể là một VQG, rừng đặc dụng, khu du lịch sinh thái, được thành lập theo Quyết định số 83/TTg ngày 10.11.1992 của Thủ tướng Chính phủ. Vườn có diện tích 7.610ha (30km2), trong đó: Khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 3.266,2ha; Khu phục hồi tái sinh rộng 4.083,4ha; Khu dịch vụ hành chính 301,4 ha. Với trung tâm là hồ Ba Bể, khu VQG này có: 600 loài cây thân gỗ (thuộc 300 chi, 114 họ khác nhau); 65 loài thú (22 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam); 214 loài chim thuộc 17 bộ, 47 họ (7 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam); 46 loài bò sát và động vật lưỡng cư; 87 loài cá (11 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam). Vườn có một số loài quý hiếm như gấu ngựa, báo lửa, báo hoa mai. Hai loài đặc hữu của vùng này là cầy vằn và voọc đen.

Một công trình thủy điện khác đã đi vào hoạt động gần 1 năm nay là Nhà máy Thủy điện Tà Làng ở địa bàn xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, nằm trong vùng đệm của VQG Ba Bể.

Nhà máy thủy điện công suất 3,5MW này nằm ngay trên con sông Chợ Tèn, là nguồn nước chính cung cấp cho hồ Ba Bể. Nhà máy có con đập cao khoảng 4m được xây dựng tại đây để ngăn thành hồ nước và dẫn nước theo hệ thống ống về các máy phát điện đặt cách đó khoảng 1km.

Hiện chưa có đánh giá nào về việc ảnh hưởng của Nhà máy Thủy điện Tà Làng đến lượng nước đổ về hồ Ba Bể. Tuy nhiên, những ảnh hưởng ban đầu đến hệ sinh thái, đặc biệt là sự giảm sút của các loại động vật thủy sinh trên sông Chợ Tèn và hồ Ba Bể đã bắt đầu xuất hiện.

Anh Triệu Cao Trường - công nhân trực ở nhà máy cho biết, muốn bắt cá ở sông Chợ Tèn thì chỉ bắt được phía trên đập, còn phía dưới đập thì hầu như không có.

Ông Hà Duy Trung - người dân thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc, cho biết, từ khi có đập Thủy điện Tà Làng, ruộng, bãi của gia đình ông thường xuyên thiếu nước. Ở các khu vực khác như xã Quảng Khê, Nam Mẫu (vùng lõi của VQG Ba Bể), các hộ dân phản ánh có hiện tượng đất đai giảm bớt màu mỡ do phù sa của sông Chợ Tèn bị ngăn lại.

Những năm gần đây, việc bồi lắng, ô nhiễm, giảm mức nước của hồ Ba Bể đã được phản ánh và được dư luận đặc biệt chú ý. Những tình trạng đó đe dọa đến sự bền vững của hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, đời sống của người dân trong khu vực VQG Ba Bể.

Với hai công trình thủy điện nói trên, VQG Ba Bể phải “đón tiếp” thêm nhiều mối nguy hại, đe doạ. Tuy nhiên, trong báo cáo tác động môi trường của các dự án này, đặc biệt là Dự án Thủy điện sông Năng đang chuẩn bị xây dựng lại đề cập rất hời hợt đến những nguy cơ và hậu quả đó. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của tỉnh này vẫn chưa lên tiếng...

------------------------

Kỳ tới: Hậu quả khó lường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem