Thuỷ điện xả lũ làm hại sản xuất: Nông dân quyết kiện “nhà đèn”

Thứ hai, ngày 08/11/2010 10:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trao đổi với NTNN chiều qua 7-11, ông Trần Duy Việt – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng vẫn kiên quyết giữ quan điểm: Sẽ lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh này yêu cầu các ban quản lý thủy điện bồi thường cho người dân bị thiệt hại do xả lũ hồ thủy điện trên địa bàn.
Bình luận 0

Trong đợt mưa lũ vừa qua, do lượng nước đổ vào hồ lớn nên hồ thủy điện Đa Nhim (nằm trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) buộc phải xả lũ với lưu lượng từ 150m3/s vào ngày 1-11, sau đó nâng lên 500m3/s vào ngày 3-11 và hạ xuống còn 200m3/s vào ngày 4-11.

img
Ngày 3-11, hồ thủy điện Đa Nhim chỉ mới xả lũ 500m3/s (theo thiết kế là 4.500m3/s) nhưng đã gây thiệt hại tới 22 tỷ đồng cho huyện Đơn Dương.

Với mức xả này, vùng hạ lưu thuộc hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng đã có hơn 640ha rau màu, 190ha lúa, 200ha cà phê và một số diện tích cây trồng khác của nông dân bị nhấn chìm trong lũ. Ông Đinh Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, đưa ra số liệu thống kê: “Huyện Đơn Dương bị thiệt hại hơn 22 tỷ đồng do đợt xả lũ này gây ra”.

Và ông lưu ý: “Sự phối hợp giữa ban quản lý thủy điện với chính quyền và các tổ chức đoàn thể (như Hội Nông dân, đoàn thanh niên…) ở địa phương trong việc xả lũ đã không được chặt chẽ nên gây ra hậu quả đáng tiếc”.

Cả ông Đinh Ngọc Hùng và ông Trần Duy Việt – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đều cho rằng: Lâu nay, công tác hỗ trợ, hoặc đền bù cho nông dân bị thiệt hại do xả lũ hồ thủy điện gây ra hầu như chưa được tính đến, và đã đến lúc buộc ngành điện phải có trách nhiệm chia sẻ những thiệt hại này bởi,không thể để nông dân luôn chịu thiệt hại vì năm nào cũng xả lũ.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, ông Nguyễn Đức Hưng, tỏ ra thận trọng hơn: “Chúng ta cần xem xét kỹ tính pháp lý của vấn đề.

Nếu việc xả lũ trái pháp luật thì yêu cầu ngành điện bồi thường thiệt hại, còn nếu không vi phạm, giữa ngành điện và nông dân chỉ nên có những thỏa thuận về mức hỗ trợ là đủ, và hợp lý”. Ông Mai Nam Dương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban PCLB tỉnh Lâm Đồng nhắc lại: “Năm 1993, hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ lên đến 1.600m3/s - được ghi nhận là mức xả lớn nhất của hồ thủy điện này từ năm 1965 đến nay".

Hậu quả là 1 cầu sắt và 15 ngôi nhà bị trôi, hàng ngàn ha hoa màu và cây lâu năm bị nhấn chìm, 5 trong số 9 xã của huyện Đơn Dương bị ngập lụt… Tổng thiệt hại tới 20 tỷ đồng.

Rõ ràng, trước những thiệt hại không hề nhỏ mà nông dân phải gánh chịu từ việc xả lũ hồ Đa Nhim như vừa qua (và như nhiều năm trước) đã gây bức xúc cho không chỉ nhà nông mà đó còn là nỗi niềm trăn trở của lãnh đạo địa phương cũng như lãnh đạo Hội Nông dân.

Do đó, nếu trong trường hợp nông dân kiện ông nhà đèn cũng là điều không có gì quá ngạc nhiên.

Nếu xả lũ sai phải chịu trách nhiệm

Không chỉ thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) xả lũ gây thiệt hại về mùa màng, sản xuất của nông dân, hàng chục thủy điện khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên cũng đã và đang làm người dân điêu đứng. Trả lời báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Ai vi phạm quy định xả lũ thì phải chịu trách nhiệm”.

Riêng về thuỷ điện sông Ba Hạ (Phú Yên), Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Khi mưa to, nước về đầy, các hồ đều buộc lòng phải xả nước, nhưng có thể thông báo sớm cho dân thời điểm xả nước để tránh thiệt hại. Cũng về thuỷ điện này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, 16 giờ ngày 2-11, lãnh đạo nhà máy đã báo cáo bằng văn bản cho Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt T.Ư và email cho UBND tỉnh Phú Yên, đến 19 giờ đã bắt đầu xả lũ.

"Hiện nay, chúng tôi vẫn chờ kết quả giải trình và sẽ xử lý nếu có vi phạm. Nếu gây thiệt hại thì xem xét bồi thường theo quy định pháp luật” - ông Biên nêu rõ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem